Lẩn tránh xuất xứ tiếp tục 'nóng'

Theo chinhphu.vn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cam kết: “Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm, không phải chúng tôi thiếu kiên quyết, vô cảm hay thờ ơ với hàng hóa gian lận, lẩn tránh xuất xứ”.

 Bộ Công Thương khẩn trương ban hành quy định cụ thể về hàng hoá xuất xứ Việt Nam.
Bộ Công Thương khẩn trương ban hành quy định cụ thể về hàng hoá xuất xứ Việt Nam.

Nếu như tại phiên chất vấn chiều ngày 6/11 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong hàng loạt các lĩnh vực như: Thiết bị điện tử, máy tính, dệt may, da giày, gỗ dán... cũng có những dấu hiệu nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, EU... thì đến phiên chất vấn sáng 7/11, Bộ trưởng tiếp tục thừa nhận “có sự tăng đột biến của một số ngành hàng cho thấy có gian lận xuất xứ của Việt Nam để trục lợi, cụ thể là ở thị trường Hoa Kỳ”.

“Mặt hàng gỗ dán xuất sang Mỹ có tốc độ tăng trưởng rất mạnh trong năm 2018-2019 tới 400%. Thấy được nguy cơ bị trừng phạt thương mại của các quốc gia nhập khẩu đối với chúng ta, trong đó có Hoa Kỳ, chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng đã ký ban hành thông tư  về tạm dừng việc tạm nhập cũng như xuất khẩu gỗ dán đi Hoa Kỳ”, Bộ trưởng Công Thương thông tin.

Trước tình hình trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tiếp tục chất vấn: “Tôi chờ câu trả lời của Bộ trưởng là khi nào có thông tư hướng dẫn về ghi nhãn mác hàng hóa nhưng Bộ trưởng mới chỉ mô tả quy trình để ra thông tư với nhiều khó khăn, phức tạp và vẫn chưa ra được thông tư. Tôi và cử tri cần Bộ trưởng trả lời cụ thể khi nào thì có thông tư này? Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang gay gắt, vấn đề xuất xứ hàng hóa đã trở nên gay cấn và phức tạp. Mong Bộ trưởng đừng thờ ơ”, Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến cũng đặt ra câu hỏi với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Đã đến mức phải rung chuông cảnh báo cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng hay chưa?”.

Về gian lận xuất xứ, lừa dối khách hàng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận: “Đây là hành vi xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng và vi phạm Luật Tiêu chuẩn chất lượng đo lường, vi phạm luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Những hành động buôn lậu và gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng nhái, chúng ta đã tổ chức đấu tranh rất kiên quyết chống lại hiện tượng này”.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đây là thị trường chúng ta có xuất khẩu tăng trưởng rất mạnh trong thời gian qua và cũng rất dễ bị lợi dụng xuất xứ.

“Tuy vậy, thời gian qua đã có sự chỉ đạo mạnh mẽ, chặt chẽ của Thủ tướng Chính phủ cũng như phối hợp kịp thời với Chính phủ Hoa Kỳ, hải quan Hoa Kỳ, cơ quan thương mại Hoa Kỳ.... nên đến nay chúng ta vẫn giữ được mối quan hệ thuận lợi với thị trường này cũng như với các đối tác khác của EU...", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ thông tin.

Đối với những vụ việc tương tự, Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo Chính phủ, đồng thời phối hợp các bộ, ngành xử lý kịp thời, không gây ra tổn hại ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam với các đối tác.

Về vấn đề đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Thông tư về xuất xứ hàng hóa Bộ Công Thương đang xây dựng nhằm mục tiêu tạo ra cơ sở pháp lý để điều chỉnh những hành vi lợi dụng gian lận xuất xứ.

“Không phải chúng tôi không quyết tâm, không mong muốn làm cái này mà thực sự đây là vấn đề phức tạp. Chúng tôi đưa ra xin ý kiến về dự thảo mới 2 tháng nay nhưng có thể nói các ý kiến góp ý rất đa dạng, nhiều chiều, nhiều khía cạnh kỹ thuật, đòi hỏi phải có sự cân nhắc.

Chúng tôi cam kết với các đại biểu và cử tri là chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm. Không phải chúng tôi thiếu kiên quyết, vô cảm hay thờ ơ với việc này”, Bộ trưởng Công Thương nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, cuối năm nay, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong đó có Bộ Tư pháp rà soát lại tính chất pháp lý, phạm vi điều chỉnh, hiệu quả của thông tư, để bảo đảm văn bản pháp quy này khi được ban hành sẽ có hiệu lực, hiệu quả, đi vào cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương ban hành quy định cụ thể về hàng hoá xuất xứ Việt Nam và có các giải pháp để giám sát, kiểm soát việc nước ngoài lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba. Chủ động xây dựng các hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo vệ doanh nghiệp, thị trường trong nước.

Ngành Công Thương phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ phòng, chống các biểu hiện tiêu cực tham nhũng tiếp tay cho buôn lậu, xử lý nghiêm trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trong việc nhập khẩu các hàng hoá có hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện quy định về tạm nhập, tái xuất, quản lý hàng hoá tại các kho ngoại quan. Đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế với hàng hoá xuất khẩu, nâng cao hiệu quả đối đổi mới phương thức xúc tiến thương mại đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, hạn chế tình trạng phụ thuộc thương mại nhập siêu, xuất siêu đối với các đối tác thương mại lớn.