Linh kiện lậu “náo loạn” thị trường xe điện

Theo Khôi Nguyên/enternews.vn

Hiện nay, linh kiện xe đạp điện, xe máy điện đang bị hàng lậu, hàng nhái làm “loạn” thị trường, để lại nhiều hệ lụy cho người tiêu dùng, đồng thời, Nhà nước cũng thất thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Những năm gần đây, xu hướng sử dụng năng lượng xanh, thân thiện với môi trường được đẩy mạnh trên thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Theo số liệu thống kê hiện nay, cả nước có khoảng 5 triệu chiếc xe đạp điện và xe máy điện đang lưu hành. Có thể thấy, thị trường xe đạp điện, xe máy điện là một phân khúc tiềm năng với tốc độ tăng trưởng ở mức 30-40%/năm. Theo đó, mỗi năm có hàng triệu xe được bán ra và lưu thông trên thị trường, mang lại nguồn thu không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối.

Nhưng có một thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều sản phẩm xe điện (chủ yếu là xe đạp điện) lậu, xe không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lượng xe này không được cơ quan chức năng kiểm tra và quản lý về chất lượng nhưng vẫn bán ra thị trường với số lượng lớn.

Chia sẻ trên truyền thông, ông Đoàn Ngọc Linh, CEO hãng xe điện Pega cho rằng, có tới 90% các loại xe đạp và linh kiện trên thị trường đều không rõ nguồn gốc. Các loại xe đạp và linh kiện xe đạp điện nhập lậu theo con đường tiểu ngạch. Các loại xe bán trên thị trường không có tem hợp quy, không đầy đủ giấy tờ hóa đơn cũng như nguồn gốc xuất xứ. 

 

Linh kiện lậu “náo loạn” thị trường xe điện - Ảnh 1

Một lô hàng linh kiện xe đạp điện nhập lậu từng bị lực lượng chức năng bắt giữ tại Quảng Ninh (Ảnh: TL)

 

Cũng theo vị này, hiện các đơn vị lắp ráp tại Việt Nam nhập khẩu các linh kiện xe máy điện và khai giá thấp. Thông qua 1 vài công ty "ma" tại các cửa khẩu, các công ty này chia nhỏ phần linh kiện ra để được coi là lắp ráp và hưởng thuế ưu đãi dưới 15%. Với 1 xe bán ra thị trường có giá khoảng 13 triệu đồng thì hóa đơn xuất chỉ tầm từ 3-5 triệu. Ngoài ra, tại Việt Nam hiện đang tồn tại loại hình xe đạp điện trá hình, với các thông số tương đương xe máy điện như trọng lượng >40kg, tốc độ >25km/h.

“Các loại xe này đang được sản xuất và lưu hành không đúng theo thực tế, cạnh tranh không lành mạnh với các công ty xe máy điện chính hãng”, ông Linh thông tin.

Cuối năm 2018, một số liệu của cơ quan quản lý thị trường được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến dư luận không khỏi giật mình, khi đó Việt Nam có khoảng 3 triệu xe đạp, xe máy điện nhưng các cơ quan quản lý mới chỉ quản được 10%, còn lại là “thả nổi”.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, hiện thị trường xe đạp điện lậu đang bán trên thị trường có thể chiếm đến gần 90%, nguyên do là bởi xe đạp điện không phải đăng ký làm biển số nên các đơn vị nhập linh kiện lậu và không thông qua Cục Đăng kiểm để cấp phép cho các xe này.

Hiện nay công tác quản lý về các phương tiện này vô cùng lỏng lẻo, vẫn còn nhiều lỗ hổng. Ảnh: Gia Nguyễn/DĐDN
Hiện nay công tác quản lý về các phương tiện này vô cùng lỏng lẻo, vẫn còn nhiều lỗ hổng. Ảnh: Gia Nguyễn/DĐDN

Một số hãng xe lậu không nguồn gốc xuất xứ, không có tem hợp quy của cơ quan đăng kiểm cấp, làm nhái một số mẫu mã của các thương hiệu khác có xe bán chạy. Điều này gây nhầm lẫn cho khách hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín cũng như doanh thu của các công ty. Thậm chí, một số mẫu xe ngang nhiên dán tem phiếu giả của cơ quan Đăng kiểm và ngang nhiên bày bán công khai trên thị trường.

Thế nhưng có một thực tế hiện nay là ở vùng nông thôn nhiều người tiêu dùng vẫn tìm đến các mặt hàng giá rẻ, xe chất lượng kém ở mức giá 6- 12 triệu đồng. Hình thức làm giả rất tinh vi, kiểu dáng thì hoàn toàn giống nên khách hàng khó phân biệt. Thậm chí, nhiều người mua biết đó là hàng không rõ nguồn gốc nhưng vẫn chấp nhận mua vì mức giá rẻ hơn nhiều hàng chính hãng. Điều này khiến cho việc lưu thông của các mẫu xe này tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro, mất an toàn.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Hữu Minh - Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cho biết: Hiện nay công tác quản lý về các phương tiện này vô cùng lỏng lẻo, vẫn còn nhiều lỗ hổng.

“Thậm chí, nhiều nhà sản xuất can thiệp vào động cơ khiến thay đổi tốc độ vận hành không đúng với quy chuẩn, điều đó dẫn đến việc tiềm ẩn nguy cơ cao tình trạng mất an toàn giao thông”, ông Minh chia sẻ.