Lỗ hổng lớn trong thanh toán trên internet
Sự tiện lợi của việc thanh toán, giao dịch thông qua internet đang bị giới tội phạm lợi dụng để tiến hành chuyển tiền, thực hiện những hoạt động bất hợp pháp như cá độ bóng đá, đánh bạc online… suốt thời gian qua.
Hiện nay, hoạt động cung cấp dịch vụ thanh toán cho game, đánh bạc trên internet không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) coi là hoạt động trung gian thanh toán để quản lý, trong khi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) không quản lý hoạt động thanh toán bằng thẻ cào. Đây chính là lỗ hổng lớn trong quản lý thanh toán trên internet.
“Bơm tiền” cho con bạc
Vụ án đường dây đánh bạc qua mạng liên quan đến hai đối tượng Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Thông tin ban đầu cơ quan điều tra cho biết hàng ngàn tỷ đồng tiền tham gia đánh bạc online chảy qua hai đường chính là cổng thanh toán (cả hợp pháp và bất hợp pháp) và hệ thống đại lý.
Như vậy, có thể thấy hoạt động tổ chức đánh bạc với quy mô lớn, trong thời gian dài này khó có thể thực hiện được nếu không có sự “trợ giúp” của các cổng trung gian thanh toán như VNPT EPAY, Ngân Lượng, Home Direct, Giải trí số… và các loại thẻ cào điện thoại, game.
Thông qua các cổng thanh toán trung gian, những người chơi game và đánh bạc online sẽ chuyển tiền từ thẻ ATM, ví điện tử vào đó để mua tiền ảo, thẻ game…
Cách thức hoạt động này vừa dễ dàng lại thuận tiện cho người chơi, lại có sự an toàn, bởi cho dù có chuyển số tiền lên đến hàng chục tỷ hay vài trăm ngàn đồng thì khách hàng không phải giải trình về số tiền này. Từ đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng “kẽ hở” này để xây dựng hệ thống thanh toán cho hoạt động đánh bạc trực tuyến phi pháp.
Qua tìm hiểu có thể thấy, thời gian qua, một số cổng thanh toán chấp nhận nạp/rút tiền qua thẻ điện thoại với mức phí dao động từ 21 đến 26%, mà không quản lý việc khách hàng dùng tiền để làm gì.
Anh Thành Trung, cán bộ của Cổng thông tin thanh toán trực tuyến Ngân Lượng, cho hay: “Bản chất là tiền của khách hàng, có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản và họ muốn sử dụng vào việc gì là quyền của họ. Các đơn vị trung gian thanh toán chỉ hưởng phí dịch vụ khi khách hàng thực hiện thanh toán qua cổng mà thôi”.
Trong khi đó, lâu nay, hoạt động này không được NHNN coi là hoạt động trung gian thanh toán để quản lý, trong khi Bộ TT&TT không quản lý hoạt động thanh toán bằng thẻ cào. Đây chính là lỗ hổng để kẻ gian lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như trốn thuế, đánh bạc, rửa tiền… thông qua kênh internet.
Các chuyên gia pháp luật và ngân hàng cho rằng việc quản lý các trung gian thanh toán đang rất cần thiết và phải tiến hành nhanh chóng để tránh những thiệt hại về thuế và những rủi ro phạm pháp thông qua thanh toán từ các cổng thanh toán trung gian nội địa.
Cần sớm quản lý trung gian thanh toán
Theo phân tích của các chuyên gia pháp luật, việc cho phép khách hàng sử dụng thẻ cào điện thoại để nạp tiền vào ví điện tử của các đơn vị trung gian thanh toán hiện nay đang vi phạm Điều 9, Điều 13 của Thông tư số 39/2014 của NHNN về hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán.
Ngoài ra, việc các doanh nghiệp thanh toán trực tuyến không nắm được nội dung thanh toán cho dịch vụ gì, dẫn tới tình trạng không thực hiện nghĩa vụ từ chối, tạm ngừng hoặc ngừng kết nối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cũng vi phạm các quy định của Điều 9, Thông tư số 24/2014 của Bộ TT&TT về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng internet.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cho biết nếu thẻ cào chỉ để thanh toán dịch vụ điện thoại thôi thì đó là phương tiện để trả tiền, nhưng khi đã có hiện tượng sử dụng thẻ cào cho các nhà cung cấp dịch vụ khác để mua các loại hàng hóa khác thì lúc đó phải coi nó là phương tiện tài chính.
Do chưa đánh giá đúng vai trò nên việc quản lý từ khâu phát hành thẻ cào đến khi tiêu dùng qua các khâu trung gian bị đứt đoạn đã tạo ra kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia ngân hàng cho rằng cần quản ngay từ khâu phát hành, quản lý luồng trao đổi giá trị tiền từ người phát hành đến người tiêu dùng. Ngoài ra, ngân hàng phải trợ giúp kiểm soát đại lý để thu được thuế.
Trước thực trạng trên, mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu và đề xuất biện pháp quản lý, xử lý đối với việc sử dụng các hình thức thanh toán trên internet, đặc biệt là các hoạt động thanh toán liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật.
Đại diện NHNN cũng cho biết đang dự thảo thông tư riêng về giám sát các hệ thống thanh toán. Dự thảo thông tư kỳ vọng sẽ đưa ra những quy định giám sát cụ thể đối với từng hệ thống thanh toán hiện nay, bởi nó sẽ phân biệt rõ, tránh chồng chéo giữa hoạt động giám sát hệ thống ngân hàng và giám sát hệ thống thanh toán.