Mải kiếm lợi, quên môi trường

Theo DĐDN

Hàng chục doanh nghiệp trong KCN Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) công khai vi phạm pháp luật môi trường.

Không riêng gì KCN Quang Minh, 31/32 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh được kiểm tra đều bị phát hiện có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ môi trường.

Phạt như… phủi bụi

Được thành lập từ năm 2004, hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của KCN Quang Minh phải tới tháng 2-2009 mới được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, trước khi hình thành KCN Quang Minh, từ năm 2001, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp phép cho 85 doanh nghiệp thuê đất đầu tư, xây dựng và hoạt động sản xuất trên diện tích cấp đất của KCN Quang Minh. Số doanh nghiệp này khi đó không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trong và quanh khu vực KCN Quang Minh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân suốt nhiều năm qua.

Điều tra của các cơ quan chức năng Hà Nội chỉ rõ, hiện nay, chỉ có 67/125 doanh nghiệp trong KCN ký hợp đồng xử lý nước thải sau sản xuất và đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Còn lại 58 doanh nghiệp (trong số 85 doanh nghiệp thuê đất từ năm 2001), không có hệ thống xử lý nước thải, nước thải xả trực tiếp ra sông Cà Lồ và đầm Và. Không chỉ xả thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường, nhiều doanh nghiệp trong KCN này còn bị phát hiện quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, kết quả kiểm tra 75 doanh nghiệp, trong đó có cả Công ty Nam Đức, chủ đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN Quang Minh cho thấy, có tới 62 doanh nghiệp vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, bị xử phạt hành chính với số tiền trên 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẵn sàng đóng tiền phạt và tình trạng ô nhiễm môi trường quanh KCN Quang Minh đến nay không hề có sự cải thiện, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân. Kiểm tra đột xuất gần đây của ngành chức năng Hà Nội tại trạm xử lý nước thải trong KCN này phát hiện trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Quang Minh... không hoạt động! Tại miệng cống xả cuối cùng của trạm xử lý nước thải, có nước thải màu đen, bốc mùi hôi thối, xả thẳng ra môi trường... Căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm vào cuối tháng 5-2010 khi một số người dân khu vực đã tập trung cạnh KCN dùng đất lấp kín hai miệng cống xả thải từ KCN này ra môi trường.

Báo động đỏ!

Tại Hà Nội, không chỉ có các doanh nghiệp tại KCN Quang Minh dùng “mánh” hại môi trường để kiếm lời, các KCN khác cũng đang diễn ra tình trạng tương tự. Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của 32 cơ sở công nghiệp tại huyện Mê Linh cho thấy, chỉ có 2 cơ sở được kiểm tra có chất lượng nước xả thải đạt tiêu chuẩn cho phép. Trong số không đủ tiêu chuẩn, có 10 cơ sở chất lượng nước xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép tới 10 lần.

Tình hình xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép cũng diễn ra rất phổ biến. Có 13 cơ sở xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép, xả nước thải vượt quá  lưu lượng cho phép trong giấy phép. Đa số các cơ sở đều không thực hiện chế độ quan trắc chất lượng nước xả thải trước khi thải ra môi trường, không báo cáo định kỳ tới cơ quan chuyên môn theo quy định. Công ty TNHH Coldtech Việt Nam, hoạt động hoạt động tại Lô 49H - Khu công nghiệp Quang Minh là một ví dụ. Khi kiểm tra, công ty xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 5 đến gần 10 lần. Đã vậy, công ty này còn không không lập hồ sơ, đăng ký phát sinh chất thải nguy hại, khai thác nước không phép... Tương tự, Công ty cổ phần Xuân Hòa (Tráng Việt, Mê Linh) cũng xả thải vào môi trường không có giấy phép, không lập hồ sơ, đăng ký phát sinh chất thải nguy hại... Cũng với dạng vi phạm như vậy, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Toàn Phát đã không lập hồ sơ; quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường, xả thải vào nguồn nước lượng nước thải vượt quá 10 lần cho phép, khai thác nước ngầm không giấy phép...

Cần bài tay thép

Bình luận về vấn nạn này, một lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các KCN rõ ràng đã né tránh nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên môi trường. Các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến chất lượng sản xuất và lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chứ không hề chú tâm đến bảo vệ môi trường. Thậm chí, việc báo cáo thường kỳ tới các cơ quan chức năng của thành phố cũng bị doanh nghiệp lờ đi. Kiểm tra cho thấy, việc thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ theo cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường đều được thực hiện chưa nghiêm chỉnh. Có 13/32 cơ sở thực hiện chương trình giám sát môi trường (chiếm tỷ lệ 40,6%) nhưng chỉ có 9/32 cơ sở thực hiện giám sát đầy đủ đúng quy định (chiếm tỷ lệ 28,1%) và kết quả cũng không được gửi đến cơ quan quản lý môi trường địa phương theo quy định.

Một dạng vi phạm phổ biến khác ở đây là tình trạng khai thác nước ngầm bừa bãi. Kết quả kiểm tra cho thấy, 14 cơ sở khai thác nước ngầm không có giấy phép, khai thác nước vượt quá lưu lượng cho phép trong giấy phép. Hầu hết các cơ sở khai thác, sử dụng nước ngầm đều không lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng, không có sổ nhật ký vận hành, không thực hiện chế  độ quan trắc, báo cáo định kỳ chất lượng nước khai thác tới cơ quan chức năng theo quy định...

Trước các vi phạm có tính hệ thống của các cơ sở công nghiệp trên địa bàn Mê Linh, Thanh tra Sở TN-MT đã xử phạt hành chính bằng tiền đối với 30/32 cơ sở với các mức phạt từ 4 tới 44 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng yêu cầu các doanh nghiệp có hướng khắc phục, không tái diễn các vi phạm đã bị xử lý. Tuy nhiên, như lời một thành viên của đoàn kiểm tra, nếu không sử dụng các biện pháp hành chính mạnh hơn và các mức phạt hành chính vẫn chỉ dừng ở vài chục triệu đồng, không thể đảm bảo các doanh nghiệp sẽ dừng hẳn hành vi vi phạm.