Mang tiền mua… bệnh

Bình Than

TCTC - Những thông tin về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm từ nước tinh khiết, nước khoáng xuất hiện ngày càng dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người tiêu dùng bỏ tiền ra mua chỉ mong có được sản phẩm đạt tiêu chuẩn để đảm bảo sức khỏe khi sử dụng. Song thực tế mong muốn của "thượng đế" đã không được đaớ ứng mà còn tốn tiền mua thêm… bệnh mà thôi.

Theo các cơ quan chức năng, phần lớn cơ sở sản xuất nước tinh khiết, nước khoáng đều trong điều kiện tạm bợ, mất vệ sinh, thiết bị xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh san toàn thực phẩm. Rất nhiều cơ sở tư nhân dùng thẳng nước hút từ giếng khoan lên, thậm chí lọc bằng than hoặc sỏi, rồi xử lý bằng "công nghệ" khử khuẩn rẻ tiền, đóng chai và bán ra thị trường.

Trong khi nước tinh khiết phải đáp ứng trên 40 chỉ tiêu lý, hóa, vi sinh..., thì với những hệ thống xử lý nước kiểu thô sơ và thủ công đó, chỉ có thể diệt khoảng 30% vi khuẩn có trong nước ngầm. Qua gửi mẫu nước của các cơ sở đi xét nghiệm, có nơi phát hiện 100% bị nhiễm vi khuẩn Pseudomonas.

Nguy hiểm nhất là E.Coli - luôn có sẵn trong nước giếng khoan - không được khử triệt để sẽ vào cơ thể người gây bệnh. Chưa kể đến hàm lượng các chất độc hại như asen thường có trong nước giếng khoan không được xử lý triệt để. Ngoài ra, theo quy định, vòi phải được sản xuất bằng nguyên liệu silicon hoặc cao su (poly Iso-prene) mới an toàn, song hiện nay các loại vòi nước nhựa đang được sử dụng có bộ phận chặn nước được sản xuất bằng nhựa hóa dẻo - có chứa hóa chất gây bệnh ung thư, có hại cho sức khỏa. Đáng giật mình, không ít sản phẩm này đang được phân phối cho một số bệnh viện, các cơ quan, trường học...

Không chỉ mất vệ sinh và ảnh hưởng đến sức khỏe mà theo TS. Hoàng Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thực tế, nước uống tinh khiết và nước khoáng đang có bán nhiều trên thị trường chỉ là nước… được lọc nhiều lần. Bởi khái niệm “nước tinh khiết” chỉ có trên lý thuyết mà không hề có trong thực tế. Bình thường khoảng 50% các khoáng chất thường được bổ sung qua đường uống, thế nhưng “nước tinh khiết” hiện nay được lọc bằng công nghệ thẩm thấu ngược (RO) hoặc trao đổi ion (IE), vô tình đã lọc đi các khoáng chất. Vì vậy, “nước tinh khiết” chỉ đảm bảo về mặt vệ sinh chứ không tốt về mặt sức khỏe. Ngược lại, nếu dùng “nước tinh khiết” quá nhiều, nhất là trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể thiếu khoáng chất và sinh bệnh do thiếu vi chất.

Trong khi đó, theo Th.S Đào Tố Quyên, Phó Trưởng khoa Vệ sinh an toàn (Viện Dinh dưỡng quốc gia), nước khoáng chỉ dùng cho người thiếu khoáng chất. Mỗi loại nước khoáng cũng chỉ cung cấp một số loại chất khoáng nhất định chứ không phải toàn bộ các chất khoáng mà cơ thể cần như nhiều doanh nghiệp sản xuất nước khoáng vẫn quảng cáo. Vì thế, sử dụng lâu dài cũng không tốt, thậm chí trong một số trường hợp còn nguy hiểm (thừa chất khoáng này nhưng lại thiếu chất khoáng khác). Đặc biệt, không nên lấy nước khoáng để pha sữa cho trẻ vì có nguy cơ tạo ra một số chất trung gian gây nguy hiểm. Mặt khác, uống nước khoáng trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của thận…

Trước những mối lo ngại ngày càng tăng, ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng kiến nghị: “Nước uống đóng chai là một trong 10 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao. Vì vậy, pháp luật cần phải có các chế tài xử lý nghiêm khắc hơn với những nhà sản xuất nước đóng chai, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, coi thường sức khỏe của người dân”.

Điều đáng nói là cho đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn phân biệt nước khoáng giải khát và nước khoáng chữa bệnh để người tiêu dùng có thể chọn lựa sản phẩm thích hợp với mình. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng sản phẩm không có hướng dẫn cụ thể trên nhãn mác để người tiêu dùng lựa chọn và xác định tác dụng các loại khoáng chất có trong sản phẩm khi sử dụng. Vì vậy, nguy cơ nhiễm bệnh vẫn có thể xảy ra.

Hơn nữa, công tác kiểm soát quy trình cấp phép cũng chưa được chặt chẽ nên DN, thậm chí là cá nhân đua nhau mở cơ sở sản xuất mà không biết cơ sở nào được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ sở nào đảm bảo chất lượng... Theo quy định, ngoài thủ tục pháp lý, DN phải gửi mẫu sản phẩm đăng ký kiểm tra chất lượng để được cấp phép đủ tiêu chuẩn và theo định kỳ phải gửi các mẫu sản phẩm đến cơ quan đăng kiểm xét nghiệm.

Tuy nhiên, nhiều DN, cơ sở sản xuất đối phó bằng cách lấy mẫu nước của thương hiệu uy tín kiểm nghiệm rồi chuyển cơ quan cấp phép và hiển nhiên sẽ được công nhận. Đáng nói hơn, trong công tác thanh kiểm tra, từ công đoạn lấy mẫu, xét nghiệm đến khi công bố sản phẩm nhiễm khuẩn thì lô hàng hầu như đã tiêu thụ gần hết, thậm chí bình nước nhiễm khuẩn đã được người dân dùng hết sạch. Việc hậu kiểm chưa thể làm tốt được bởi khó khăn về người, tài chính...

Thực tế, việc kiểm tra hiện mới chỉ là bề nổi. Năm nào Thanh tra Y tế cũng kiểm tra, xử phạt song đâu lại vào đấy bởi ít ai biết sau đó có mấy cơ sở khắc phục. Sự lơi lỏng, thiếu đồng bộ trong giám sát, kiểm tra là điều kiện cho nhiều nhãn hiệu nước tinh khiết không bảo đảm chất lượng ra đời. Vì thế, ngay từ lúc này Bộ Y tế cần phải đẩy mạnh thanh kiểm tra, kiểm nghiệm các cơ sở sản xuất đã công bố chất lượng, đồng thời nâng mức xử phạt hành chính và các hình thức xử phạt bổ sung đối với những cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Có lẽ, trước khi chờ đợi sự ra tay của các cư quan chức năng, người dân cần phải học cách trở thành những “người tiêu dùng thông thái”. Đó là tìm đến các tên tuổi cũng như thương hiệu của các hãng sản xuất nước. Nếu không, uống nước tinh khiết vừa không đảm bảo sức khỏe, vừa mất tiền mua nước, lại còn vừa tự “rước” bệnh cho mình.