Mua bán nợ xấu ngân hàng gần như chưa có, vì sao?

Theo Nguyễn Hoài (VnEconomy)

Theo một lãnh đạo ngành ngân hàng, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng năm 2008 sẽ không dưới vài chục nghìn tỷ đồng.

Mặc dù mua bán nợ xấu ngân hàng trên thế giới đã tồn tại hàng chục năm nay nhưng ở Việt Nam vẫn chưa. Tại sao như vậy?

"Không dưới vài chục nghìn tỷ đồng"?

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa công bố số liệu chính xác tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống ngân hàng năm 2008 nhưng tại một hội thảo gần đây do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, một lãnh đạo trong ngành ngân hàng đã thừa nhận con số không dưới vài chục nghìn tỷ đồng.

Còn theo một nguồn tin không chính thức khác, số nợ xấu của ba ngân hàng quốc doanh và Vietcombank hiện ước khoảng 4%/tổng dư nợ.

Một vấn đề làm đau đầu các ngân hàng và cơ quan quản lý đối với các khoản nợ này chính là khâu xử lý. Trên thực tế, phần lớn các hợp đồng cho vay bị vướng vào nợ xấu đều có tài sản đảm bảo mà hầu hết là thế chấp bằng bất động sản (nhà máy, công xưởng, đất đai) và giấy tờ có giá khác.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, việc giải chấp các tài sản đảm bảo này là điều không đơn giản.

Ông Trần Phương, Giám đốc Ban kế hoạch phát triển - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, ngay từ năm 2001, Chính phủ Trung Quốc đã cho phép hình thành thị trường mua bán nợ xấu ngân hàng với sự tham gia của rất nhiều thành phần quốc doanh, tư nhân, trong nước và quốc tế. Trung Quốc quan niệm rằng, nếu chỉ để cho các thành phần quốc doanh mua bán trên thị trường này, quá trình định giá sẽ không thực sự cạnh tranh.

Vì thế, Chính phủ nước này cho phép Morgan Stanley và sau này là các ngân hàng đầu tư khác của Mỹ không chỉ tham gia mua cổ phần mà còn được phép mua bán nợ xấu các ngân hàng.

Nên xây dựng cơ chế mua bán nợ xấu

Vậy, ở Việt Nam thì sao?

Ông Phương nói: “Việc mua bán nợ xấu ngân hàng ở Việt Nam hầu như chưa có và nếu có thì diễn ra rất khó khăn từ việc lập hồ sơ, đưa lên tòa, đến thi hành án rất lằng nhằng, phức tạp, thậm chí 2 - 3 năm không xong được việc. Cũng vì thế, các định chế nước ngoài rất ít hoặc chưa muốn tham gia vào lĩnh vực này do e ngại rủi ro khi mua tài sản nhưng về sau không bán được”.

Một chuyên gia pháp lý hoạt động tại một ngân hàng thương mại cho rằng, sở dĩ nợ xấu ngân hàng chưa có mặt trên thị trường là do hiện tại, Chính phủ vẫn chưa để mắt tới vấn đề này và cho phép lực lượng nước ngoài tham gia vào thị trường. Mặc dù, khi nói đến thị trường thì phải bao gồm nhiều đối tượng: trong nước và ngoài nước, quốc doanh và tư nhân cùng tham gia.

Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Tuấn Kiệp, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói: “Trong khi các ngân hàng có bao nhiêu cách gọi vốn thì có lý gì không bán nợ xấu cho các nhà đầu tư nước ngoài?”.

Ông Kiệp phân tích: cùng với việc cổ phần hóa, bán “phần lành mạnh” thì lâu nay trên thế giới, thị trường mua bán nợ xấu ngân hàng phát triển khá rôm rả. Các nước này có những công ty chuyên mua bán nợ xấu, hoạt động rất chuyên nghiệp.

Thậm chí họ còn đi hỏi thăm các ngân hàng xem có bán nợ xấu không. Sau khi mua về, tùy thuộc vào chất lượng từng khoản nợ, họ “đánh bóng” lại, làm sạch sẽ tình hình tài chính, đẩy bớt những phần quá xấu trong tài sản, chuẩn bị hồ sơ pháp lý đầy đủ và tiến hành bán.

Sở dĩ hoạt động này trên thế giới thông suốt là do những quốc này có một hệ thống pháp lý hoàn hảo và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thị trường này phát triển như nhân lực có tay nghề cao, cung cấp dịch vụ bài bản...

Cũng theo ông Kiệp, khi thực hiện những phi vụ này, ngân hàng phải tính toán tính thanh khoản của mình để quyết định bán ở tỷ lệ nào và mức giá bao nhiêu. Nếu thị trường sôi động, có thể đấu thầu. Việc mua bán này, ngân hàng không chỉ khơi thông nguồn vốn, làm sạch sẽ sổ sách, lành mạnh tình hình tài chính mà thậm chí, nếu xử lý tốt tài sản thế chấp, ngân hàng vừa đẩy được rủi ro đi xa hơn, vừa có lãi.

Trở lại với những khoản nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng, lâu nay việc xử lý chúng hoàn toàn là do các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước đảm nhiệm và không phải trường hợp nào cũng xử lý tốt. Vietinbank xử lý hơn 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu từ khoản nợ của Minh Phụng để lại và đó là một thành công.

Tuy nhiên, không ít khoản nợ khác từ các chương trình “cà phê Arabica”, “đánh bắt xa bờ”, “mía đường”... lại đè nặng lên ngân sách, buộc Chính phủ phải “khoanh nợ”, “xóa nợ”. Quá trình này không chỉ làm hao tổn nguồn lực quốc gia mà còn ảnh hưởng không tốt đến sự hình thành một thị trường mà đáng lẽ phải có.

Giới phân tích kinh tế cho rằng, có lẽ trong thời điểm nền kinh tế đang đối mặt với nhiều đổ vỡ, cơ quan quản lý không thể không tính đến bài toán mua bán nợ, đặc biệt là mua bán nợ xấu ngân hàng, nhằm làm lành mạnh mạch máu cho nền kinh tế.