Mỹ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đệm mút Việt Nam

Theo Đỗ Đỗ/enternews.vn

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Bộ Thương mại Mỹ đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đệm mút xuất xứ từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), sản phẩm bị điều tra là mặt hàng đệm mút (mattress) có mã HTS (mã HS áp dụng tại Mỹ) gồm: 9404.21.0010, 9404.21.0013, 9404.29.1005, 9404.29.1013, 9404.29.9085 và 9404.29.9087 (DOC có thể điều chỉnh mã HS khi thấy cần thiết).

 

Mỹ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đệm mút Việt Nam - Ảnh 1

DOC có thể áp thuế chống bán phá giá tạm thời trong quá trình điều tra. Ảnh minh họa: IT

 

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, DOC đã gửi bản câu hỏi về lượng và giá trị (Q&V) đến một số nhà xuất khẩu của Việt Nam nhằm xem xét lựa chọn bị đơn bắt buộc (thời hạn trả lời 6/5/2020). DOC cũng khuyến nghị các doanh nghiệp tham gia trả lời bản câu hỏi này gửi kèm đề nghị tính toán mức thuế riêng rẽ thay vì chịu mức thuế chung.

Sau khi lựa chọn bị đơn bắt buộc, DOC sẽ gửi bản câu hỏi chính thức và phân tích, đánh giá mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp dựa trên số liệu thu thập được (năm 2019). Trong quá trình điều tra, DOC có thể sẽ ban hành kết luận sơ bộ và áp thuế chống bán phá giá tạm thời.

Dự kiến thời gian đưa ra kết luận cuối cùng về thiệt hại và áp thuế chính thức (nếu có) sẽ là ngày 7/1/2021.

Thật ra trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào ngày càng nhiều các FTA thế hệ mới thì rất khó để có thể tránh khỏi các vụ kiện về phòng vệ thương mại. Do đó, các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị đầy đủ kiến thức pháp lý để đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Đưa ra khuyến nghị với doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng trong quá trình kinh doanh tại bất kỳ thị trường nào, doanh nghiệp cần coi trọng công tác tự cảnh báo, xem xét kỹ các nguy cơ để đưa ra phương án kinh doanh thích hợp như điều chỉnh tần suất bán, giá cả, thay đổi phương thức thanh toán ...

Bà Thu cho rằng điều mấu chốt là các doanh nghiệp cần phải tự mình nâng cao khả năng cạnh tranh, chủ động áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu, … để kịp thời ứng phó với những tranh chấp có thể phát sinh trong thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó, việc sử dụng chứng từ sổ sách và quy trình hạch toán kế toán của các doanh nghiệp Việt còn nhiều điều chưa hợp lý, chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

“Do đó, các doanh nghiệp cần nghiêm túc đầu tư hệ thống thông tin của mình. Hệ thống này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc theo đuổi các vụ kiện, cũng như nâng cao tính hiệu quả trong quản lý kinh doanh. Một hệ thống thông tin minh bạch được kiểm định độc lập theo đúng chuẩn quốc tế chính là các bằng chứng mạnh mẽ nhất để tự bảo vệ”, bà Thu nhấn mạnh.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất đệm mút cần trả lời bản câu hỏi, cung cấp thông tin đầy đủ, đúng thời hạn (theo quy định và thông lệ DOC sẽ không chấp nhận bất cứ thông tin, bản trả lời nộp quá thời hạn quy định) cũng như hợp tác đầy đủ trong quá trình thẩm tra vụ việc.

DOC có quyền sử dụng những dữ liệu sẵn có để ban hành kết luận điều tra nếu các doanh nghiệp không hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong quá trình xử lý vụ việc.