Năm 2019, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán tăng mạnh


Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho thấy, trong năm 2019 đã ban hành 469 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, với tổng số tiền xử phạt gần 29 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán (TTCK) còn thể hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Nguồn: Internet.
Các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán (TTCK) còn thể hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Nguồn: Internet.

Tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, đại diện UBCKNN cho biết, năm 2019, cơ quan này đã ban hành 469 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK), với tổng số tiền xử phạt gần 29 tỷ đồng. Như vậy, so với năm 2018 với 364 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tổng số tiền phạt gần 20 tỷ đồng, đã có sự tăng mạnh.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, hiện nay dù cơ quan quản lý đã áp dụng mức xử phạt nặng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, nhưng vẫn có không ít nhà đầu tư vi phạm. Thậm chí, các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK còn thể hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, trong khi việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi giao dịch nghi vấn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, năm 2019 đã xuất hiện một hiện tượng ngày càng phổ biến là các doanh nghiệp (DN) liên tiếp chậm công bố báo cáo tài chính, hiện tượng này thường rơi vào các DN hoạt động kém hiệu quả và giá cổ phiếu có xu hướng đi xuống. Không chỉ chậm trễ, có những DN bị xử phạt vì công bố thông tin không trung thực, nhưng sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục vi phạm. 

Đặc biệt, trong các quyết định xử phạt của UBCKNN trong năm qua, có không ít đối tượng bị phạt là lãnh đạo DN và người có liên quan vì giao dịch không đúng quy định, lợi dụng ưu thế biết trước thông tin để giao dịch. Điển hình như, trường hợp của ông Lê Đức Dũng - thành viên HĐQT Công ty cổ phần Thông tin tín hiệu Đường sắt Sài Gòn (mã: TSG) bị phạt 12,5 triệu đồng do vi phạm công bố thông tin; ông Lê Đăng Thuận, Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Điện lực (mã: PEC) đã bị phạt 15 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch...

Tuy nhiên, theo một số ý kiến, mức xử phạt vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng sẽ là quá nhỏ so với những lợi ích mang lại từ việc vi phạm của DN, nhà đầu tư tổ chức. Tới đây, các văn bản hướng dẫn những chế tài xử phạt theo hướng tăng nặng cần được ban hành để có thể áp dụng ngay khi Luật Chứng khoán có hiệu lực (1/1/2021).

Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam, việc Luật Chứng khoán sửa đổi trao thêm thẩm quyền cho UBCKNN trong làm rõ các vi phạm, cũng như tăng nặng chế tài xử phạt đang được kỳ vọng sẽ gia tăng tính răn đe với các vi phạm.

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật Chứng khoán và quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động chứng khoán và TTCK thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện các sai phạm và áp dụng các chế tài cao nhất theo quy định; Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức đầu tư, pháp luật ra thị trường để giúp thị trường lành mạnh hơn cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các nhà đầu tư.