Nguy cơ từ khuyến mãi tràn lan

Theo Đầu tư

Theo đánh giá của giới chuyên môn, mức cước của các doanh nghiệp viễn thông hiện đã tiệm cận giá thành.

Năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường quản lý tốt hơn khuyến mãi để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Cuối tháng 1, Viettel phát đi thông báo giảm tối đa 20% cước dịch vụ viễn thông di động cho các thuê bao (cả trả trước và trả sau) từ ngày 1/2/2010, nhằm đem lại lợi ích cho khách hàng, thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ sau 1 ngày kể từ khi thông báo trên chính thức có hiệu lực, ngày 2/2/2010, Viettel đã lẳng lặng rút thông báo giảm cước.

Lý do khiến khách hàng của Viettel mừng hụt là do Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có văn bản chấp thuận việc giảm cước của Viettel trước Tết Nguyên đán (do lo ngại tình trạng nghẽn mạng). Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, sẽ xem xét phương án đề nghị giảm cước của Viettel vào thời điểm sau Tết Nguyên đán.

Theo Thông tư 02/2007/TT-BTTTT hướng dẫn thực hiện quy định về quản lý cước dịch vụ bưu chính - viễn thông, doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế phải đăng ký cước với Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong vòng 5 ngày làm việc, Bộ sẽ cho doanh nghiệp biết ý kiến. Vì vậy, hồ sơ đăng ký cước này phải được sự chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi doanh nghiệp chính thức thực hiện. Nếu Bộ Thông tin và Truyền thông không chấp thuận hồ sơ đăng ký, thì doanh nghiệp tiếp tục thực hiện theo mức cước hiện hành.

Ngay sau khi rút thông báo giảm cước, Viettel đã tung ra chương trình khuyến mãi lớn cho các thuê bao hoà mạng mới. Theo đó, các thuê bao trả trước hoà mạng mới có thể nhận được số tiền khuyến mãi vào tài khoản lên đến 520.000 đồng và tặng 50% giá trị thẻ nạp cho 10 thẻ nạp đầu tiên. Với khách hàng trả sau, sẽ được miễn phí hoà mạng trị giá 119.000 đồng và số tiền miễn phí cước gọi nội mạng lên đến 1.200.000 đồng trong vòng 1 năm. 

Theo đánh giá của giới chuyên môn, mức cước của các doanh nghiệp viễn thông hiện đã tiệm cận giá thành. Vì vậy, nếu doanh nghiệp tiếp tục cuộc đua cạnh tranh về cước, cũng như đưa ra những chương trình khuyến mãi “khủng”, thì sẽ tự làm khó mình. 

Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, doanh nghiệp khuyến mãi tràn lan sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ thị trường. “Nguy cơ này là có thật. Vì vậy, năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường quản lý tốt hơn hoạt động khuyến mãi để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh”, ông Hải nhấn mạnh.

Một trong những biện pháp mạnh mà Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng để tăng cường quản lý hoạt động khuyến mãi của các doanh nghiệp viễn thông là thông tư liên tịch với Bộ Công thương về khuyến mãi trong lĩnh vực viễn thông di động (dự kiến ban hành vào cuối quý I hoặc đầu quý II năm nay). 

Tuy nhiên, để tránh tình trạng các doanh nghiệp viễn thông khuyến mãi mạnh trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị yêu cầu doanh nghiệp viễn thông di động không được thực hiện việc khuyến mãi nếu không có biện pháp chắc chắn đảm bảo chất lượng dịch vụ trước và trong Tết Nguyên đán.

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hết năm 2009, tổng số thuê bao điện thoại di động của Việt Nam là trên 130 triệu. Như vậy, số thuê bao điện thoại đã vượt xa tổng số dân. Tuy nhiên, theo phân tích của đại diện một nhà mạng, số thuê bao được sử dụng thường xuyên chỉ chiếm xấp xỉ trên dưới 50%, còn lại là số thuê bao dùng theo kiểu thuê bao phụ, hết thời gian khuyến mãi thì “nghỉ dưỡng”.