Những bước tiến mới trong công tác công sản năm 2010

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

Trong năm 2010, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy nhanh việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước theo Quyết định số 09/2007-QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần khai thác hiệu quả, tiết kiệm, tạo nguồn tài chính để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc hoặc đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh mới, tăng năng lực sản xuất kinh doanh.

Việc sắp xếp, xử lý nhà đất được tiến hành theo hướng dành quỹ đất có lợi thế thương mại cho hoạt động kinh doanh, dịch vụ, đồng thời dành quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện…, góp phần chỉnh trang quy hoạch lại đô thị theo hướng hiện đại. Kết quả trong công tác này được thể hiện điển hình tại:
 
Thành phố Hồ Chí Minh: Tổng số cơ sở báo cáo, kê khai là 10.787 cơ sở với tổng diện tích đất là 152,4 triệu m2 và tổng diện tích nhà là 15,1 triệu m2; Cấp có thẩm quyền đã phê duyệt 8.319 cơ sở (chiếm 77,1%) với tổng diện tích đất là 89 triệu m2 và tổng diện tích nhà là 7,2 triệu m2; Số tiền thu được do bán nhà, đất, chuyển mục đích sử dụng đất là 16.469 tỷ đồng.
 
Thủ đô Hà Nội: Tổng số cơ sở báo cáo, kê khai là 8.268 cơ sở với diện tích đất là 39,9 triệu m2 và 9,7 triệu m2 nhà; Cấp có thẩm quyền đã phê duyệt 866 cơ sở với tổng diện tích đất là 4,2 triệu m2 và tổng diện tích nhà là 1,9 triệu m2; Số tiền thu được do bán nhà, đất, chuyển mục đích sử dụng đất là 1.247,4 tỷ đồng.
 
Đối với các địa phương khác, kết quả triển khai sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước vẫn chưa đồng đều. và phần lớn tập trung vào xử lý đối với các cơ sở nhà, đất thuộc Trung ương quản lý như ngành Tòa án, ngành Tư pháp, ngành Tài chính, ngành Công an...
 
Thực hiện hiệu quả công khai tài sản nhà nước
 
Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, chế độ báo cáo và công khai TSNN được áp dụng đối với tất cả các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức được giao quản lý, sử dụng TSNN. Việc báo cáo công khai được thực hiện từ khâu phân bổ dự toán kinh phí đầu tư, mua sắm, trang bị TSNN, hiện trạng quản lý, sử dụng TSNN (số lượng, giá trị, hình thức sử dụng, mục đích sử dụng) đến khâu điều chuyển, thanh lý, bán, chuyển nhượng và các hình thức chuyển đổi sở hữu khác đối với TSNN. Hình thức công khai: Công bố trong các kỳ họp thường niên của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Phát hành ấn phẩm; Niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; Đưa lên trang thông tin điện tử; Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Theo báo cáo của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đến nay hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị có báo cáo công khai việc quản lý, sử dụng TSNN.
 
Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công
 
Để tổ chức triển khai việc kê khai báo cáo tài sản Nhà nước theo yêu cầu của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, Bộ Tài chính đã xây dựng và ứng dụng Chương trình Quản lý đăng ký tài sản Nhà nước, thực hiện trên môi trường Internet, dựa trên cơ sở hạ tầng truyền thông của Bộ. Theo Chương trình này, toàn bộ tài sản Nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị được nhập và quản lý tại cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản Nhà nước (dần thay thế cho việc báo cáo số liệu bằng giấy và công tác kiểm kê tài sản hàng năm như trước đây).
 
Kết quả đến ngày 1/9/2010, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN đã có thông tin về 89.686 đơn vị (chiếm 95,2%) trong tổng số các đơn vị phải báo cáo. Trong đó, các đơn vị thuộc Trung ương là 7.740 (chiếm 8,6%) và các đơn vị thuộc địa phương là 81.946 (chiếm 91,4%).
 
Phát huy những thành tích khả quan đạt được trong công tác năm 2010, cùng với những giải pháp, định hướng trong Năm mới, công tác công sản sẽ đạt những bước tiến mới trong năm 2011.