Ô nhiễm công nghiệp tại Bình Giang - Hải Dương: Dân bỏ ruộng vì môi trường độc hại

.

Nhiều năm nay, 20.677 m2 đất canh tác của 81 hộ dân thôn Phương Độ, xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang trở thành... đất hoang. Người dân khi làm ruộng ở đây có biểu hiện bệnh ngoài da, bệnh về đường hô hấp. UBND xã và các hộ dân thôn Phương Độ đã nhiều lần gửi công văn đến các cơ quan chức năng. Nhưng đến nay, dân vẫn đành... bỏ ruộng!

 

Thủ phạm gây ô nhiễm được xác định là  Cty TNHH Omic Việt Nam - DN 100% vốn đầu tư nước ngoài (Nhật Bản). Hoạt động chính của CTy TNHH Omic Việt Nam là sản xuất, gia công kinh doanh các sản phẩm gia dụng bằng thép không gỉ, bằng nhựa, và bằng gỗ. Chính thức hoạt động từ năm 2002, nhưng đến nay Cty vẫn chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải, chủ yếu vẫn là... xả thẳng ra ruộng của dân!

Nông dân thiệt đủ đường

Ông Thái - cán bộ văn phòng UBND xã Hưng Thịnh cho biết: "Chúng tôi đã nhiều lần gửi công văn đến các cơ quan chức năng. Đoàn thanh tra, kiểm tra cũng đã về, nhưng vẫn không có kết quả. Bà con tiếc đất bỏ hoang, nhưng chẳng ai dám lội xuống ruộng để làm. Đã vậy, cứ mỗi vụ chúng tôi lại phải chủ động làm tờ trình gửi cho DN để xin đền bù thiệt hại hoa màu". Ông Thái còn phân bua: "Lo ngại nhất là việc nước thải của DN chảy vào hệ thống nước mặt, làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái, thông qua chuỗi thức ăn gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người. Mặt khác, nước thải ngấm xuống đất sẽ làm ô nhiễm cả hệ thống nước ngầm. Vì người dân nơi đây chủ yếu dùng nước giếng khoan".

Doanh nghiệp “lờ” Sở Tài nguyên -Môi trường

Từ khi Cty TNHH Omic bắt đầu có dự án, Sở Tài nguyên -Môi trường Hải Dương đã nhiều lần có công văn và xuống trực tiếp để hướng dẫn, nhắc nhở DN thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Cty vẫn chưa chấp hành nghiêm túc, thậm chí còn làm ngơ trước những yêu cầu của cơ quan chức năng. Đó là: Không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, không thực hiện công tác kiểm soát ô nhiễm định kỳ, chưa đăng kí chủ nguồn chất thải nguy hại. Mặc dù đã bị Thanh tra Sở Tài nguyên -Môi trường xử phạt, nhưng DN vẫn không chú trọng đầu tư hệ thống xử lý nước. Tình trạng ô nhiễm  ngày càng có chiều hướng tăng lên. Năm 2007, Cty Omic được "xếp hạng" là một trong 5 DN gây ô nhiễm nghiêm trọng của tỉnh Hải Dương. Trước tình hình trên, UBND tỉnh và Sở Tài nguyên -Môi trường đã gửi công văn yêu cầu Cty phải thực hiện ngay việc đánh giá hiệu quả của hệ thống xử lý nước thải hiện đang vận hành và đến thời hạn trước ngày 30/3/2008 phải hoàn thành, nếu không sẽ buộc phải di dời đi nơi khác hoặc bị thu hồi giấy phép đầu tư !

Với hơn 10 chỉ tiêu được phân tích đánh giá, hầu hết hàm lượng của các kim loại nặng nguy hại như: Niken (Ni), Cadimi (Cd) và các ion axit như: Flo, P tổng số (Pt), SO42- còn rất cao so với TCVN 5945 - 2005 (tiêu chuẩn quy định của nước thải công nghiệp), kết quả trên cho thấy, nước thải của Cty dù đã qua hệ thống xử lý nhưng nồng độ của các chất ô nhiễm vẫn ở mức cao so với tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, điều đáng nói là  thời hạn 30/3/2008 đã qua, nhưng DN trên vẫn hoạt động sản xuất "bình thường" - coi như không có chuyện gì xảy ra!

Ông Nguyễn Công Khanh - Trưởng phòng Môi trường của Sở Tài nguyên -Môi trường cho biết: "Việc Cty TNHH Omic gây ô nhiễm kéo dài nhiều năm nay và nằm trong danh sách 5 DN gây ô nhiễm nghiêm trọng là có thật. Phòng Môi trường đã làm việc nhiều lần với DN về vấn đề này, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở việc... tư vấn và nhắc nhở chứ không có quyền xử phạt. Mặt khác, việc đình chỉ hoạt động của DN vi phạm cũng không thuộc thẩm quyền của Phòng Môi trường".

Công nghiệp về làng chính là tín hiệu của sự phát triển kinh tế, là một điều không thể phủ nhận. Người dân phấn khởi và hưởng ứng nhiệt tình nhất. Nhưng thật đáng buồn là cái mà người dân được hưởng từ sự phát triển ấy thì chưa thấy đâu, mà cái mất lại đang ngày một tăng lên: mất đất, mất ruộng, mất việc làm rồi dần... mất mạng (!) do ô nhiễm từ  các DN.

Có thể thấy, chế tài trong xử lý hành chính hiện vẫn chưa đủ sức răn đe. Nhiều DN còn coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường, sẵn sàng chịu phạt do mức đóng phạt thấp hơn nhiều so với việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần có những việc làm kiên quyết hơn như: di dời, cưỡng chế đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép đầu tư... Nghĩa là, hãy làm  như thế nào đó, để DN ý thức được bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ chính mình?

Theo kết quả phân tích việc xử lý nước thải của Cty Omic, nồng độ Ni và Cd vượt tiêu chuẩn từ 7 - 22 lần, các ion F-, Pt (PO32-, PO 42-...) và SO42- thì... hệ thống này không có khả năng xử lý ! Nếu so sánh với TCVN 5945 - 2005, nồng độ của ion F- vượt tiêu  chuẩn từ 25 - 30 lần, Pt vượt từ 120 - 150 lần, SO42- ; nước thải có nồng độ ở đầu vào và đầu ra dao động từ trên 4.000 mg/l...

Theo Ngọc Mơ (DDDN)