Phân phối gạo: Chưa giải nổi chuyện gạo bị làm giá

Theo Báo Pháp luật Thành phố HCM

Doanh nghiệp chỉ chăm chăm xuất khẩu mà bỏ quên thị trường trong nước khiến thị trường bất thường. Doanh nghiệp trở tay không kịp do không nắm hệ thống phân phối, bán lẻ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến cho dự thảo Quy hoạch, phát triển hệ thống phân phối lương thực đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Dù dự thảo đang được góp ý để trình Chính phủ nhưng nhiều ý kiến e ngại tính khả thi của dự thảo, nhất là trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ lúa gạo.

Phân phối còn yếu kém

Báo cáo của dự thảo cho thấy hiện nay Việt Nam đã đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia và có dư để xuất khẩu nhưng phân bố sản phẩm lúa gạo không đồng đều giữa các địa phương. Đồng bằng sông Cửu Long luôn chiếm trên 50% tổng sản lượng lúa và 90% lúa hàng hóa của cả nước.

Dự thảo nêu lên những mặt được của công tác điều hành xuất khẩu gạo nhưng cũng còn bộc lộ nhiều yếu kém. Theo đó, dự thảo chưa xác định rõ trách nhiệm của thương nhân xuất khẩu gạo với các nhiệm vụ chính trị, kinh tế của đất nước, với nông dân sản xuất lúa gạo. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo không có kho tàng, cơ sở chế biến… gây xáo trộn thị trường. Doanh nghiệp chưa có chiến lược phát triển vùng nguyên liệu.

Nghi ngại tính khả thi

Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết dự thảo sẽ góp phần điều phối khi thị trường lúa gạo có dấu hiệu bất thường do đầu cơ. Dù là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng đã có lúc thị trường lúa gạo Việt Nam có dấu hiệu bị làm giá, như trong tháng 4-2008. Cho nên dự thảo cần tập trung chú ý và có đề án cấp nhà nước xây dựng đội ngũ thương lái bài bản hơn.

Theo ông Xuân, cần phải chú trọng hệ thống phân phối của hai tổng công ty lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), Miền Nam (Vinafood 2). Có cơ chế, chính sách kết nối hệ thống phân phối hai tổng công ty này với hệ thống phân phối bên ngoài để lúc thị trường có vấn đề có thể phản ứng nhanh. Để làm được điều này, nhà nước phải hỗ trợ hai tổng công ty vốn để xây dựng kho tàng và hệ thống bán lẻ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho rằng đây là một đề án rất khó làm vì những điểm mà dự thảo nêu ra quá rộng, còn chung chung. Chưa kể hiện nay hệ thống phân phối lương thực của nước ta rất tự phát, từ tổ chức thu mua cho đến tiêu thụ. Kể cả thu mua phục vụ cho mục đích xuất khẩu còn có nhiều vấn đề.

Lâu nay doanh nghiệp chỉ chú ý đến thị trường xuất khẩu mà bỏ quên và khoán trắng thị trường trong nước cho tư nhân. Do đó khi thị trường trong nước bất thường thì các doanh nghiệp trở tay không kịp do không nắm hệ thống phân phối, bán lẻ.

“Dự thảo nêu rất nhiều vấn đề liên quan đến lúa gạo nhưng bản thân tôi vẫn nghi ngại về tính khả thi. Ví dụ như dự thảo cho rằng phải xây dựng các siêu thị bán lẻ dành riêng cho lương thực. Cái này sợ không khả thi. Mình nên liên kết xây dựng siêu thị dành cho nhiều mặt hàng, trong đó có lương thực thì tốt hơn” - ông Tần nhấn mạnh.

Ý kiến:

VFA chưa đủ khả năng hài hòa lợi ích các bên

Cần phải hình thành hiệp hội sản xuất lúa gạo nhằm bảo vệ lợi ích của người sản xuất lúa gạo. Hiện nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chỉ là hiệp hội của doanh nghiệp xuất khẩu, trong khi Hội Nông dân lại không quán xuyến hết việc bảo vệ lợi ích của  nông dân. Ngoài ra, cần phải xây dựng lại VFA. Hiện VFA chỉ bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp xuất khẩu là chính. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu VFA có đủ khả năng hay sự công minh để điều hòa lợi ích từ sản xuất, phân phối thị trường lúa gạo hay không?

NGUYỄN VĂN HÒA,

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thô