8 năm triển khai Luật Phá sản - Hầu hết các DN giải thể không làm thủ tục phá sản

Theo Tạp chí Thuế

(Tài chính) Dù được kỳ vọng là sẽ khắc phục được những vướng mắc của Luật Phá sản năm 1993 và đưa những quy định của Luật này thực sự đi vào cuộc sống, tuy nhiên, sau 8 năm triển khai, Luật Phá sản năm 2004 dường như vẫn đi theo “vết xe đổ” của “kẻ tiền nhiệm”. Nhận định này được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam giữa kỳ 2013, khi bàn về những bất cập trong Luật Phá sản hiện nay.

8 năm triển khai Luật Phá sản - Hầu hết các DN giải thể không làm thủ tục phá sản
Luật Phá sản năm 2004 còn quá nhiều điểm bất cập và các DN dường như không “mặn mà” đối với Luật này. Nguồn: Internet
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số 623.700 DN đăng ký thành lập năm 2011, chỉ có 457.000 DN hoạt động, đồng nghĩa với hơn ¼ số DN đăng ký hoạt động hiện không rõ về tình trạng pháp lý, có tồn tại hay không? Trong khi đó, có đến 12/52 tòa án nhân dân tỉnh báo cáo, kể từ khi Luật Phá sản năm 2004 có hiệu lực thi hành đến nay không thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố phá sản DN nào và phần lớn các tòa án nhân dân, các cơ quan, tổ chức có liên quan khi được tiến hành hỏi ý kiến về các quy định của Luật Phá sản năm 2004 đã có kiến nghị sửa đổi, bổ sung tới 57 Điều/95 Điều của Luật Phá sản năm 2004. Thực tế này cho thấy, Luật Phá sản năm 2004 còn quá nhiều điểm bất cập và các DN dường như không “mặn mà” đối với Luật này.

Đối với  Luật Phá sản thì điều đầu tiên quan tâm đấy chính là quan điểm về việc DN như thế nào thì bị coi là lâm vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên, với khái niệm này Luật Phá sản lại quy định không rõ ràng, dẫn đến việc triển khai trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn” - đại diện của VCCI cho biết. Bên cạnh đó, Điều 3 của Luật Phá sản quy định “DN, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản” là chưa rõ ràng, chưa định lượng cụ thể về số lượng của khoản nợ mà DN không thể thanh toán được, các tiêu chí để xác định các khoản nợ đến hạn, số tiền nợ quá hạn, thời hạn nợ quá hạn… Điều này khiến cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp khó khăn trong việc ra quyết định mở thủ tục phá sản.
 
Một khó khăn nữa trong việc xác định DN lâm vào trình trạng phá sản là theo quy định của Luật Phá sản (khoản 4 Điều 15) thì bên cạnh đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, người nộp đơn phải nộp kèm theo một số tài liệu như: báo cáo tình hình hoạt động, bảng kê chi tiết tài sản, danh sách người mắc nợ của DN. Tuy nhiên, trong thực tế người nộp đơn rất khó có được những tài liệu này, trong khi tòa án không đủ điều kiện để kiểm tra hoạt động tài chính của DN. 
 
Hơn nữa, do Luật Phá sản đã bỏ sót chủ nợ sở hữu các khoản nợ mới và người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho DN lâm vào tình trạng phá sản, nên trong quá trình giải quyết gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không giải quyết được. Luật không quy định rõ các chủ nợ mới có quyền tham gia vào danh sách chủ nợ hay không? Các chủ nợ có bảo đảm mặc dù có quyền ưu tiên thanh toán nhưng vẫn phải có tên trong danh sách chủ nợ để có quyền đòi nợ, có quyền tham gia hội nghị chủ nợ. Do đó, chủ nợ mới cũng phải có tên trong danh sách chủ nợ. Tương tự, đối với chủ nợ là người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho DN lâm vào tình trạng phá sản (khoản 3 Điều 62), trong trường hợp đến thời điểm mở thủ tục phá sản mà người bảo lãnh vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho con nợ (người được bảo lãnh) thì lúc này ai có quyền tham gia vào danh sách chủ nợ và hội nghị chủ nợ? Chủ nợ có bảo đảm hay người bảo lãnh? Đây là vấn đề cần phải có quy định rõ ràng.
 
Ngoài ra, việc xác định địa chỉ của các chủ nợ và DN mắc nợ cũng rất khó khăn, nhất là trong trường hợp DN phá sản không hợp tác. Một vấn đề nữa liên quan đến thanh lý tài sản đó là, tài sản bán đấu giá, theo quy định nếu sau hai lần giảm giá mà vẫn không bán được thì các chủ nợ có quyền nhận tài sản theo giá đã giảm; nếu các chủ nợ không nhận thì trả lại tài sản đó cho DN.

Theo các chuyên gia của VCCI, quy định này là không khả thi, vì thủ tục thanh lý tài sản là thủ tục cuối cùng trước khi thẩm phán ban hành quyết định tuyên bố DN phá sản. Do đó, tài sản của DN đã được thu hồi buộc phải bán hết, nếu không bán được, chủ nợ không nhận thì trả lại cho DN đó thì sẽ không thể kết thúc được thủ tục thanh lý tài sản, thậm chí rơi vào vòng luẩn quẩn, khiến DN không thể bị tuyên bố phá sản. 
 
Để đạo luật này đi vào cuộc sống một cách sát thực hơn, các chuyên gia cho rằng, trước hết, cần xây dựng Luật Phá sản theo hướng rút gọn thủ tục, tạo động lực để thúc đẩy các DN sử dụng thủ tục phá sản khi rơi vào tình trạng phá sản theo quy định. Trong thực tế, để tiến hành xong thủ tục phá sản phải mất hàng năm trời. Việc kéo dài thời gian giải quyết, khiến cho các chủ nợ và con nợ trở nên “mệt mỏi” và khả năng thu hồi nợ với giá trị lớn sẽ gặp khá nhiều khó khăn. Đây cũng là lý do mà cả chủ nợ và con nợ không muốn sử dụng thủ tục phá sản. 
 
Tiếp đó, cần tăng cường năng lực của các chủ thể liên quan đến quá trình giải quyết phá sản, đặc biệt là các thẩm phán và các chủ thể thi hành quyết định trong thủ tục phá sản. Bởi trong quá trình giải quyết phá sản, ngoài những yêu cầu về trình độ pháp lý, người thẩm phán còn phải có trình độ hiểu biết về nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tài chính - kế toán. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có thẩm phán chuyên trách về phá sản mà thường là kiêm nhiệm. Do vậy, cần phải bồi dưỡng, nâng cao trình độ thẩm phán giải quyết phá sản, đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra.

Ngoài ra, cần phải sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan bên cạnh sửa đổi Luật Phá sản để đảm bảo tính thống nhất và thuận lợi khi áp dụng. Thông thường, các vấn đề trong Luật Phá sản liên quan đến các văn bản pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau, do đó, để giải quyết được những vấn đề bất cập trong Luật Phá sản không chỉ sửa đổi các quy định của Luật này mà còn các văn bản pháp luật khác có liên quan.