Ai đã tiếp tay cho nguyên Giám đốc lâm trường MangYang chiếm đoạt đất của dân và tàn sát rừng

Theo phaply.net.vn

(Tài chính) Chân dung “Vua không ngai” lẫy lừng một thuở và thảm trạng tàn sát rừng tại huyện Mangyang (Gia Lai).

Rừng thông tại tiểu khu 499 bị triệt hạ thành bãi trống. Nguồn: phaply.net.vn
Rừng thông tại tiểu khu 499 bị triệt hạ thành bãi trống. Nguồn: phaply.net.vn

Từ nhiều năm nay, huyện MangYang luôn là điểm nóng của nạn phá rừng. Những khoảnh rừng phòng hộ hàng trăm ha bị tàn sát không thương tiếc. Điều khiến dư luận nơi đây vô cùng bức xúc là đằng sau sự vụ này, không ít người, trong đó có cả các quan chức được hưởng lợi bất chính, còn các cấp chính quyền thì thờ ơ đáng kinh ngạc. Vụ việc cứ kéo dài và chỉ thực sự bùng nổ vào năm 2013 nhờ sự phát hiện của các cơ quan công luận.

Tha hồ chặt phá rừng trước mũi chính quyền

Sau một thời gian dài báo chí lên tiếng, ngày 05/6/2013, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Công văn số 1701/UBND-NL (do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên ký) với nội dung giao cho Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) tổ chức điều tra ban đầu, khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật và triển khai các biện pháp ngăn chặn không để nạn phá rừng tiếp diễn.

Kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, gần 130 ha thông ba lá hàng chục năm tuổi và hàng trăm ha sao xanh trên hai mươi năm tuổi tại ba tiểu khu 496, 499 và 501 đã hoàn toàn bị xóa sổ.

Tham gia vào việc phá rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp, ngoài 60 hộ đồng bào Ba Na cư trú tại các làng Đê Rơn, Đê Roa, Đê Kôp, Đê Klu gần đó, còn có hàng trăm đối tượng từ nơi khác đến, có cả quan chức chính quyền xã Đăk Đjăng và huyện Mang Yang cũng nhiệt tình phá rừng hoặc mua bán trao tay hưởng lợi.

Điều đáng nói là toàn bộ số diện tích này đều cận kề quốc lộ 19, cách trụ sở UBND huyện Mang Yang chừng 1 cây số theo đường chim bay. Vì vậy cho đến nay dư luận vẫn đang nhức nhối câu hỏi: Tại sao trên 230 ha rừng lớn bị triệt hạ, chuyển gỗ và lập vườn ồ ạt như vậy mà các cấp chính quyền không hề có biện pháp ngăn chặn? Vì không biết hay đồng lõa làm ngơ?

Nghi vấn này càng trở nên thực tế khi kết quả điều tra cho thấy hàng loạt đối tượng phá rừng hoặc sang nhượng đất lấn chiếm trái phép đã được UBND huyện Mang Yang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất nhằm hợp thức hóa hành vi sai phạm. Qua đó có thể thấy mức độ “liều lĩnh” của các cấp chính quyền sở tại.

Cán bộ “đi trước”, làng nước “theo sau”

Lượn xe một vòng xuyên qua vùng lõm của các tiểu khu 496, 499, 501 chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh rừng bị tàn phá. Những vườn tiêu tươi tốt nối tiếp trải dài xen kẽ với keo lai, cà phê đã ăn sâu, khoét rỗng ruột rừng hết sức tàn bạo. Đập vào mắt tôi là những vùng đất trống mênh mông mọc trùm cỏ dại phơi mình dưới nắng chang chang. Đây đó rải rác những gốc thông, gốc sao bị cưa chặt gần sát đất, dấu tích sót lại của khu rừng xưa. Không khó để nhận ra tại khu vực này, rừng chỉ còn là cái vỏ xác xơ với một vài cụm thông đơn lẻ rải rác bên trong đang từng ngày đối diện với nguy cơ bị bức tử.

Chúng tôi ghé vào một vườn tiêu bên đường hỏi chuyện người đàn ông đang bấm cành tiêu non. Ông tên Lê Tỵ, quê tận Quảng Trị và mới vào mua đất lập vườn tại đây từ năm 2009. Hỏi ông mua đất của ai, có giấy tờ không và giá bao nhiêu, ông vui vẻ trả lời: “Tôi mua đất của đồng bào làng này, chỉ giấy tay thôi, không có sổ đỏ. Hồi đó còn rẻ, chỉ hai trăm triệu một ha thôi”. Hỏi thêm mua đất không có chính quyền xác nhận ông không sợ sao, ông trả lời rằng không, vì thấy nhiều gia đình cán bộ cũng mua, bán đất rồi lập vườn quanh đây nên bắt chước.

Hiện tại, một ha đất tại vùng này có giá từ 350-400 triệu. Đất càng có giá càng khiến người ta dễ nhắm mắt làm liều. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với một số hộ dân tại địa phương, chúng tôi được nghe khá nhiều ý kiến tương tự như lời bộc bạch của ông Tỵ. Nghĩa là nếu cán bộ không nêu gương xấu thì đương nhiên sẽ hạn chế được vấn nạn làm càn trong dân.

Trong bảng “phong thần” các quan chức phá rừng, có lãnh đạo xã Đăk Đjăng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa cùng nhiều cán bộ chức sắc của huyện. Tuy nhiên, xét bề dày thành tích và mức độ vi phạm chắc chắn không ai có thể sánh ngang với nguyên Giám đốc lâm trường Mang Yang Nguyễn Văn Hóa.

Chân dung “vua không ngai” lẫy lừng một thuở

Trong bài viết trước, chúng tôi đã phân tích làm rõ việc ông Hóa khi còn đương chức đã lấy danh nghĩa lâm trường để chiếm đoạt 9 ha đất của ông Ngô Xuân Ngọc. Sau đó dùng thủ đoạn “đánh bùn sang ao” bằng cách mua rượu thịt vào làng Đê Rơn mời già làng ăn uống và nhờ ký giấy cho đất (theo khảo sát của chúng tôi, vị trí các già làng cho đất ông Hóa chỉ có 0,5 ha nằm giáp ranh với làng, còn 9 ha của ông Ngọc lại cách đó khá xa, giữa khu vực rẫy của người Kinh).

Tuy nhiên, khi ông Ngọc khiếu nại vào năm 2008, UBND huyện Mang Yang và UBND tỉnh Gia Lai đều bác bỏ đơn với lý do đất của ông Hóa đã được cấp sổ đỏ là hợp pháp vì có nguồn gốc được đại diện làng Đê Rơn viết giấy cho (?)

Đến khi ông Ngọc khởi kiện hai Quyết định của UBND huyện Mang Yang và UBND tỉnh Gia Lai theo Luật Tố tụng hành chính, ngày 04/10/2013, TAND huyện MangYang lại dựa trên ý chí chủ quan của HĐXX để bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông.

Thật ra, không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm về trước, cư dân thị trấn Kon Dỡng và các xã lân cận hầu hết đều biết đến uy danh của ông Hóa từ thuở ông còn đương chức Giám đốc lâm trường Mang Yang, như “vua không ngai” nắm giữ nguồn tài nguyên vô giá đất rừng nơi đây.

Với quyền hạn trong tay, không riêng ông Ngọc mà nhiều người dân từng bị ăn “quả đắng” từ vị Giám đốc này. Nhiều người dân làng Đê Kôp (thị trấn Kon Dỡng) khi gặp chúng tôi cũng nêu nguyện vọng được giúp đỡ làm rõ việc ông Hóa lợi dụng danh nghĩa lâm trường lấy đất của họ đem bán trước đây.

Họ cho biết, trong lĩnh vực phá rừng, chính ông Hóa cũng là cán bộ tiên phong với thành tích đáng nể. Từ trước năm 2000, ông Hóa đã vào giữa tiểu khu 499 triệt hạ gần 30 ha rừng thông, sau đó phù phép thành đất rẫy và không hiểu bằng cách nào lại được UBND huyện Mang Yang cấp hàng loạt sổ đỏ đứng tên những người thân trong gia đình.

“Quen ăn bén mùi”, những năm sau, ông Hóa tiếp tục chỉ đạo nhân viên dưới quyền “làm thịt” thêm gần 100 ha nữa. Khối lượng khai thác quá lớn không thể bưng bít nên sau khi vụ việc vỡ lở, năm 2004, ông Hóa phải ra hầu tòa với tội danh “cố ý làm trái”. Và mặc dù hết sức đổ tội cho cấp phó nhưng rốt cuộc “vị” Giám đốc lâm trường cũng phải ngậm ngùi lĩnh án 5 năm tù giam.

Điều đáng suy ngẫm qua vụ án này là gần 30 ha đất rừng bị ông Hóa phù phép thành đất hợp pháp cho gia đình mình đứng tên đã không được xử lý rốt ráo. Vì vậy sau khi mãn hạn tù vào năm 2008, ông Hóa đã sang nhượng toàn bộ số diện tích này cho ông Ng Thành Châu, cư trú tại xã Đăk Đjăng. Số tiền sang nhượng ghi trên giấy chỉ vào khoảng 800 triệu nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế lên đến 1,8 tỷ.

Lạ lùng hơn, đến ngày 24/2/2010, ông Nguyễn Như Phi, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang lại tiếp tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Hóa với diện tích 43.134 m2 tại tiểu khu rừng phòng hộ 501 (nhưng không ghi vào sổ lưu-pv). Để sau đó, ông Hóa tiếp tục sang nhượng cho 6 hộ dân khác. Không chỉ vậy, ông Hóa còn sở hữu nhiều diện tích đất rừng khác, hầu hết đều đã được cấp sổ đỏ và lần lượt sang nhượng với giá trị hàng tỷ đồng.

Không thể không đặt câu hỏi: Dựa vào đâu mà ông Hóa có thể tự tung tự tác, khuynh đảo mọi việc theo ý mình muốn? Trong quá trình lần theo hàng loạt sổ đỏ đứng tên người thân trong gia đình ông Hóa, chúng tôi tình cờ phát hiện một chi tiết đáng chú ý. Ông Hóa có một người anh em cọc chèo là em ruột của một cán bộ lãnh đạo đương nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. Trước đây, nhà ông Hóa và nhà vị Phó Chủ tịch này ở liền kề chung vách tại đường Lê Lợi thành phố Pleiku. Vừa là thông gia, vừa là hàng xóm đương nhiên phải tình sâu nghĩa nặng. Cho nên việc ông Hóa được chính quyền “du di”, ưu ái nhiều “đặc quyền” cũng là điều dễ hiểu. Qua đó mới biết vì sao hành trình kiếm tìm công lý của nông dân Ngô Xuân Ngọc lại gian nan, trắc trở đến thế.

Cũng cần nói thêm rằng vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh này cũng chính là người đã ký Quyết định bác bỏ đơn khiếu nại của ông Ngọc, dẫn đến việc ông phải lặn lội vác đơn ra tòa.

Xử lý nghiêm khắc hay chỉ “giơ cao đánh khẽ”?

Trở lại vụ việc tàn sát hơn 230 ha rừng thông ba lá, sao xanh, sau khi UBND tỉnh Gia Lai ban hành Công văn số 1701/UBND-NL ngày 05/6/2013 v/v giao trách nhiệm cho Công an tỉnh và Sở NN&PTNT phối hợp điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, dư luận khấp khởi trông chờ một chiến dịch truy quét tội phạm phá rừng được triển khai triệt để và xử lý thích đáng.

Tuy nhiên, đến ngày 11/9/2013, UBND tỉnh Gia Lai bất ngờ có công văn yêu cầu lãnh đạo Sở NN&PTNT, UBND huyện Mang Yang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các cá nhân liên quan qua các thời kỳ về việc để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Đồng thời điều tra, rà soát, lập danh sách các hộ lấn chiếm trái phép. Có nghĩa sẽ không có khởi tố vụ án, không khởi tố bị can bất kỳ một đối tượng nào. Nói một cách dân dã là “xử lý nội bộ” trong nhà với nhau.

Không biết hiện công tác kiểm điểm, xử lý đã được tiến hành đến đâu nhưng trong Báo cáo số 214/BC-UBND ngày 01/10/2013, UBND huyện Mang Yang đã kiến nghị với UBND tỉnh Gia Lai cho phép giữ nguyên các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, rà soát diện tích các hộ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời để tiến hành cấp đổi, cấp lại, đồng thời cho các hộ dân lập cam kết không lấn chiếm đất rừng.

Dễ dàng nhận thấy đây là biện pháp “té nước theo mưa” nhằm hợp thức hóa diện tích đất rừng bị thôn tính trái phép. Thay vì bị trừng phạt, các đối tượng lâm tặc cả công khai lẫn giấu mặt đã có thể thở phào nhẹ nhõm và ung dung trục lợi bất chính từ việc khai thác tài nguyên quốc gia. Không chỉ luật pháp bị xem nhẹ mà việc làm này còn tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.

Mặt khác, để xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng như vậy, ông Nguyễn Như Phi, đương nhiệm Chủ tịch UBND huyện và ông Lương Ngọc Thiệp (Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ trước, hiện là Bí thư huyện ủy) không thể vô can. Vì vậy, để xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội là điều không hề đơn giản.

Được biết, hiện TAND tỉnh Gia Lai đã chính thức thụ lý đơn kháng cáo của ông Ngọc để chuẩn bị xét xử theo thủ tục Phúc thẩm. Liệu qua phiên tòa này, những oan khuất của ông Ngọc có được làm sáng tỏ, tạo điều kiện cho gia đình ông tìm lại được những gì đã mất hay không? Và vụ việc tàn sát hơn 230 ha rừng sẽ được các cấp chính quyền ở Gia Lai xử lý như thế nào? Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin đến bạn đọc trong bài viết tiếp theo.