An toàn thực phẩm mùa lễ hội ở Hà Nội: Còn nhiều nỗi lo

Theo Trương Ngọc/daibieunhandan.vn

Mùa xuân là mùa của lễ hội và đây cũng là “thời điểm vàng” cho dịch vụ ăn uống. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, cũng như bảo đảm cho lễ hội được diễn ra vui tươi, an toàn đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các lễ hội vẫn tồn tại không ít nỗi lo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm
Những ngày này, tại Lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) - lễ hội kéo dài suốt 3 tháng xuân luôn trong cảnh đông đúc. Theo Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương Nguyễn Văn Hậu, tại Lễ hội chùa Hương năm nay có 145 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Trước khi lễ hội diễn ra, chính quyền địa phương đã tổ chức tập huấn các kiến thức an toàn thực phẩm cho 100% hộ kinh doanh, cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và tiến hành khám sức khỏe cho những người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm. Các tổ thanh tra, kiểm tra cũng được thành lập, làm nhiệm vụ liên tục kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm của các hàng quán.

Tuy nhiên, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương cũng cho hay, quy định là vậy nhưng trên thực tế các biện pháp của chính quyền vẫn chưa đủ mạnh và quyết liệt trong khi lượng khách quá tải. Vẫn còn tình trạng nhà hàng, quán cơm bày bán thực phẩm tươi sống lộ thiên, lẫn lộn với thực phẩm chín ngay trước cửa quán, không tuân thủ việc bảo quản thực phẩm trong tủ chuyên dụng; nhiều quán hàng có nhiều bát đĩa được rửa không sạch; hay tình trạng các cơ sở kinh doanh ăn uống không bố trí các thùng đựng rác nên thực khách vô tư xả thức ăn thừa, giấy ăn ngay xuống nền đất.

Hãi hùng hơn, bát được rửa trong chiếc chậu đen ngòm, váng mỡ, nước tráng cũng đen ngòm; người bán hàng không đeo găng tay, thản nhiên đếm tiền rồi lại bốc thức ăn cho khách… Có thể thấy, dù các cơ sở kinh doanh ở đây đều đã được cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, song những quy định tối thiểu về việc bảo quản thực phẩm, vệ sinh dụng cụ lại chưa được chấp hành nghiêm túc.

Theo lý giải của các chủ nhà hàng, trung bình mỗi ngày lễ hội, tại đây đón tiếp khoảng 3.000 khách, do lượng khách đông nên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm không tránh khỏi những sơ suất. Chị Trương Minh Anh (36 tuổi - du khách ở Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, do lễ hội quá đông nên muốn tìm những nơi bảo đảm vệ sinh e rằng rất khó. Đây cũng là tình trạng chung diễn ra ở hầu hết các lễ hội.

Kiểm soát tình hình an toàn thực phẩm

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2018, qua 2 tháng kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của hơn 13.000 cơ sở, hơn 700 đoàn kiểm tra của thành phố và các quận, huyện; xã, phường đã phát hiện hơn 2.800 cơ sở vi phạm, trong đó tiến hành xử phạt hơn 1.400 cơ sở với số tiền gần 5,3 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đánh giá, qua công tác thanh tra, kiểm tra, nhìn chung, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các lễ hội trong năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do tính chất thời vụ nên việc kinh doanh mặt hàng ăn uống tại các lễ hội vẫn thể hiện sự tạm bợ, lộn xộn...

Mùa lễ hội vẫn còn dài, do vậy để bảo đảm kiểm soát được tình hình an toàn thực phẩm tại các lễ hội cần những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn. Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và xử lý nhanh những trường hợp vi phạm, mùa lễ hội năm nay thành phố đã tăng cường thêm 5 xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động đến các lễ hội để lấy mẫu, xét nghiệm nhanh tại chỗ.

Thời gian xét nghiệm trung bình cho mẫu thực phẩm từ 30 phút đến 2 giờ, nhanh hơn rất nhiều so với lấy mẫu mang đến các phòng thí nghiệm. Đối với những mẫu thực phẩm có phát hiện bất thường sẽ yêu cầu cơ sở dừng bán hoặc sử dụng chế biến và tiến hành tiêu hủy.

Mặt khác, ông Tụ cũng cho rằng, dù chỉ kinh doanh thời vụ nhưng các cơ sở cũng phải ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và đáp ứng những điều kiện bắt buộc là khu vực chế biến và dụng cụ chế biến thực phẩm phải sạch sẽ; có nguồn nước hợp vệ sinh để rửa bát đũa; có tủ bảo quản thực phẩm; thực phẩm phải chứng minh được nguồn gốc… nhằm tạo ra những lễ hội vui tươi, an toàn.