Bán hàng đa cấp: Người thân thành nạn nhân

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Tính đến tháng 10/2013, cả nước có 61 doanh nghiệp, thu hút tới 1 triệu người hoạt động trong ngành bán hàng đa cấp. Trước sự phát triển quá nhanh, kèm theo những biến tướng méo mó, lệch lạc trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã cảnh báo về vấn đề này.

Bán hàng đa cấp: Người thân thành nạn nhân
Tính đến tháng 10/2013, cả nước có 61 doanh nghiệp, thu hút tới 1 triệu người hoạt động trong ngành bán hàng đa cấp. Nguồn: internet
“Mỗi người thân là một nạn nhân”

Ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã ví von như vậy khi nói về tình hình kinh doanh bán hàng đa cấp hiện nay. Theo đó, các nhà phân phối thay vì phải bán hàng thì lại ra sức chèo kéo mọi người, trong đó có không ít người thân tham gia để kiếm hoa hồng.

Theo ông Mừng, sai phạm của bán hàng đa cấp khiến dư luận bức xúc chủ yếu là nói quá về công dụng sản phẩm, thổi phồng quyền lợi người tham gia và giá bán cao so với giá trị. Nếu quản lý tốt 3 vấn đề này thì thị trường bán hàng đa cấp sẽ phát triển lành mạnh, đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng và nhà phân phối.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị không phải công ty bán hàng đa cấp cũng tham gia vào thị trường này, gây nhiễu loạn, khiến người tiêu dùng có cái nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí tẩy chay các sản phẩm. Ví dụ, vụ lừa đảo gần đây của MB24, họ không phải là đơn vị được cấp phép về kinh doanh đa cấp.

Chỉ với hơn 10 năm xuất hiện, thị trường bán hàng đa cấp đã có quy mô với trên 4.000 sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng và doanh số lên tới hơn 4.000 tỷ đồng. “Hình thức bán hàng đa cấp đang đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ và sát sao hơn hiện nay” - bà Trương Thị Nhi - Chủ tịch Hiệp hội bán hàng đa cấp - cho biết.

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định quản lý về bán hàng đa cấp sẽ chính thức được trình lên Chính phủ vào đầu tháng 12/2013 và có hiệu lực kể từ năm 2014.

Trông chờ cơ chế quản lý mới

Nghị định 110 năm 2005 quy định rất nhiều chế tài nhưng theo Cục Quản lý cạnh tranh, chưa thực sự tốt. Cục kỳ vọng việc sửa đổi nghị định này giống như việc ban hành ra hệ thống văn bản một cách chặt chẽ hơn, trên cơ sở tổng kết, đánh giá lại tất cả hoạt động, cũng như bất cập của hình thức kinh doanh này.

Những sửa đổi sẽ theo hướng siết chặt lại điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp (DN): Phải có vốn pháp định 10 tỷ  đồng; phải ký quỹ 5 tỷ đồng thay vì 3 tỷ đồng như hiện nay…, nhằm loại bỏ những DN nhỏ lẻ.

Về mức giá và tỷ lệ hoa hồng “trên trời” (chiết khấu lên tới 50-90%), đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho hay, nghị định mới sẽ được điều chỉnh bởi luật giá và sự tham vấn từ Bộ Tài chính. Theo đó, sẽ căn cứ vào báo cáo tài chính của DN để biết được mức giá chênh lệch giữa mua và bán, sẽ xử phạt nếu phát hiện bất thường. Ngoài ra, nghị định sửa đổi sẽ đưa ra mức khống chế hoa hồng cụ thể đối với các ngành hàng.

Các DN hoặc người đứng đầu DN nếu vi phạm sẽ không được cấp lại hay cấp mới giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này, phòng trừ có những người đóng cửa công ty này vẫn đi xin giấy phép thành lập công ty khác. Đối với các DN đã được cấp phép nhưng quá thời hạn hoạt động một năm cũng sẽ bị thu hồi giấy phép. Hoặc trong nghị định sửa đổi, sẽ có những điều khoản bảo vệ tối đa lợi ích người tiêu dùng như: Được quyền trả lại hàng trong vòng 30 ngày, nếu phát hiện ra sản phẩm nói quá lên so với giá trị thực.

“Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng nên khung pháp lý vững chắc nhất cho hoạt động này, tránh những cái không tốt xảy ra, gây phiền phức cho xã hội” - ông Mừng khẳng định.

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định quản lý về bán hàng đa cấp sẽ chính thức được trình lên Chính phủ vào đầu tháng 12/ 2013 và có hiệu lực kể từ năm 2014.