Báo động tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển

Theo baohaiquan.vn

Trước tình hình giá dầu thế giới và khu vực có nhiều biến động nên thời gian qua tình hình buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu trên các vùng biển tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Hải quan cảng Sài Gòn KV3 giám sát xăng dầu nhập khẩu. Nguồn: baohaiquan.vn
Hải quan cảng Sài Gòn KV3 giám sát xăng dầu nhập khẩu. Nguồn: baohaiquan.vn

Theo Bộ Quốc phòng, trước tình hình giá dầu thế giới và khu vực có nhiều biến động nên thời gian qua tình hình buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu trên các vùng biển tiếp tục có những diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, làm thất thu ngân sách nhà nước và tác động không nhỏ đến an ninh năng lượng quốc gia.

Theo thống kê cho thấy, tính từ 1/12012 đến 27/9/2015, các lực lượng: Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) đã chủ động nắm tình hình, phát hiện, bắt giữ và xử lý 69 vụ/67 tàu với 259 đối tượng có liên quan đến hành vi buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu trên biển.

Trong số này có 7 tàu với 45 đối tượng là người nước ngoài. Trong đó, tính đến thời điểm hiện tại Bộ Quốc phòng đã khởi tố 2 vụ/ 2 tàu với 15 đối tượng về hành vi buôn lậu trái phép 649.079 lít dầu DO; xử lý hành chính 67 vụ, tịch thu 21.321.682 lít xăng, dầu, nhớt các loại, xử phạt hành chính, tịch thu và phát mại tài sản thu nộp ngân sách Nhà nước 270 tỷ đồng.

Bộ Quốc phòng đánh giá, với nhiều thủ đoạn, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại đã thực hiện các vụ ngày càng tăng về số lượng, đặc biệt có vụ cơ quan chức năng thu giữ trên 2 triệu lít. Các khu vực thường xuyên diễn ra các hoạt động buôn lậu chủ yếu nằm ở Vùng đặc quyền kinh tế Tây Nam; ven biển các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Kiên Giang.

Với các vụ đã bắt, qua đấu tranh khai thác đối tượng, Bộ Quốc Phòng cho rằng, phương thức, thủ đoạn buôn lậu mà các đối tượng thường áp dụng chính như: Tàu nước ngoài bán dầu lậu cho tàu Việt Nam ngay trên biển để phục vụ việc đánh bắt hải sản; Đầu nậu ở đất liền tổ chức mua xăng dầu lậu trên biển đưa về đất liền tiêu thụ…

Với thủ đoạn này, đối tượng thường lập nhiều pháp nhân kinh doanh xăng dầu ở địa phương, lợi dụng việc mua bán, vận chuyển xăng dầu giữa các công ty để hợp pháp hóa số dầu lậu mua từ nước ngoài để tiêu thụ trong nội địa.

Bộ Quốc phòng cho biết, lợi dụng giấy phép NK xăng dầu một số DN sau khi đã hoàn chỉnh thủ tục hải quan NK lô xăng dầu, trên đường vận chuyển về nhập kho thì bán luôn lô hàng vừa NK, sau đó cho phương tiện quay lại địa diểm đã hẹn để nhập lô xăng dầu lậu với số lượng, chủng loại đúng với hóa đơn lô hàng NK để che dấu sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Với tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển diễn ra phức tạp như thời gian qua, Bộ Quốc phòng cho rằng, nguyên nhân do chênh lệch về giá, giá bán xăng dầu lậu thấp hơn nhiều so với giá xăng dầu hợp pháp, trong khi đó lại không phải nộp các loại thuế, phí, lệ phí.

Đồng thời, nhu cầu mua dầu ngay trên biển của tàu cá Việt Nam lớn nên cũng là điều kiện để hoạt động buôn lậu xăng dầu này diễn ra… Bên cạnh đó, chế tài xử phạt đối với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe cũng như việc quản lý hoạt động xăng dầu còn lỏng lẻo, chưa quản lý được tận gốc vẫn còn tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng, thực hiện hành vi vi phạm.

Cũng theo Bộ Quốc phòng, một trong những khó khăn, vướng mắc dẫn đến tình trạng phức tạp này một phần do các quy định của pháp luật còn hạn chế, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho ngư dân hiệu quả chưa cao.

Trong khi đó, địa bàn hoạt động trên biển rộng, lực lượng chống buôn lậu lại mỏng, phương tiện kỹ thuật không đá ứng. Sự phối hợp giữa các ngành, lực lượng chức năng như: Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển còn nhiều bất cập.

Do đó, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, để hạn chế và siết chặt tình hình buôn lậu xăng dầu trên biển, thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ, ngành chức năng khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn việc xử lý hình sự đối với những hành vi này. Các lực lượng cần phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, kiểm tra, kiểm tra, thống nhất trong xử lý hành vi…

Đặc biệt, Chính phủ cần giao Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Thuế tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý hóa đơn, xử lý nghiêm các hành vi lập khống, mua bán hóa đơn để giúp các đối tượng hợp thức hóa xăng dầu lậu…

Bộ Công an, triển khai biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với số đầu nậu xăng dầu ở trong nước. Bộ Công Thương thường xuyên kiểm tra, rà soát chặt điều kiện kinh doanh xăng dầu của các DN, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…