Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Chưa phải là ưu tiên

Theo Nguyễn Minh/daibieunhandan.vn

Theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ, số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT) của doanh nghiệp trong thời gian gần đây đã tăng từ 7 - 15%/năm. Tuy nhiên, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ vẫn là chưa phải là ưu tiên của các doanh nghiệp, kể cả chủ sở hữu quyền.

Kiểm tra nhãn mác hàng hóa. Nguồn: Internet
Kiểm tra nhãn mác hàng hóa. Nguồn: Internet
Xử lý không dễ

Sau khi Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có hiệu lực, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, vấn đề SHTT tại Việt Nam đã có chuyển biến đáng kể. Đặc biệt là sau khi ban hành Thông tư liên tịch 07/2012 quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường internet và mạng viễn thông.

Trong đó quy định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ trung gian - viễn thông, trang mạng xã hội, cung cấp các dịch vụ tìm kiếm, cho thuê máy chủ trong việc thiết lập hệ thống để xử lý thông tin vi phạm, đơn phương chấm dứt hợp đồng cung cấp… Tuy nhiên trước những tác động của công nghệ số, vấn đề bảo vệ quyền SHTT chưa đáp ứng được yêu cầu là động lực của mọi sự sáng tạo. Theo Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Như Quỳnh, ngoài những vi phạm trong thực tế, không gian mạng còn có những vi phạm không hoặc khó xác định được hành vi, chủ thể vi phạm.

Chính vì thế, việc xử lý vi phạm SHTT trên môi trường số còn khó khăn hơn nhiều. Với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội và nền tảng thương mại điện tử trên internet, rất khó xác định tổ chức, cá nhân vi phạm; khó thu thập chứng cứ để xử lý vi phạm. Thực tế thì không hiếm các vụ việc vi phạm mà các cơ quan chức năng không tìm ra được thủ phạm, nhất là việc gian lận thông qua các giao dịch điện tử, việc bán hàng online, sự lập lờ trên các nhãn hàng nổi tiếng

Bên cạnh những khó khăn xuất phát từ tính chất của vi phạm thì hệ thống pháp luật chuyên ngành cũng còn nhiều vấn đề khiến hiệu quả của việc thực thi quyền SHTT ít nhiều bị hạn chế. Chẳng hạn, các cơ quan quản lý khó tách bạch giữa các vi phạm viết quảng cáo không kèm sản phẩm và có kèm sản phẩm, nhất là đối với quảng cáo hàng hóa nhưng không kèm theo nhãn hiệu hàng hóa (mặc dù bài viết đề cập đến nhãn hiệu hàng hóa cụ thể). Vì khó xác định vi phạm nên không thể xác định được cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Cụ thể, nếu xác định là vi phạm về nhãn hiệu thì thẩm quyền thuộc về thanh tra khoa học - công nghệ; còn nếu xác định là vi phạm về quảng cáo sản phẩm thì thuộc về thanh tra văn hóa. Giám đốc điều hành của AmCham Adam Sitkoff đánh giá, hiện nay, việc bảo vệ và thực thi quyền SHTT ở Việt Nam vẫn còn nhiều phức tạp, việc thực thi chưa đồng bộ cùng với những khoản phạt hành chính không đủ sức răn đe, ngăn chặn. Thêm vào đó, năng lực và số nhân lực các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này còn hạn chế.

Phải từ hai phía

Mặc dù hầu hết các quốc gia đều nhận định, bảo vệ quyền SHTT sẽ khuyến khích tinh thần kinh doanh, hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân, thúc đẩy sự phát triển của các hệ sinh thái công nghệ cao và những công việc thu nhập cao cho lao động có trình độ. Nhưng nếu không có việc bảo hộ ý tưởng, các DN và cá nhân sẽ không thể gặt hái được toàn bộ lợi ích từ những phát minh của mình và ít tập trung hơn vào việc nghiên cứu, phát triển.

Tuy nhiên, để thực thi quyền SHTT nhất là trong môi trường mạng là một thách thức không nhỏ. Có nhiều ý kiến cho rằng, việc thực thi quyền SHTT không chỉ dựa vào cơ quan quản lý, hay chủ thể quyền mà là sự hợp tác từ hai phía. Vấn đề này, càng trở nên quan trọng khi mà chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, cá nhân, tổ chức vi phạm sẵn sàng nộp phạt vì các giá trị lợi ích mang lại từ việc vi phạm lớn hơn rất nhiều và việc xử lý bằng con đường tòa án thì DN không mặn mà.

Luật sư Trần Mạnh Hùng thuộc Baker McKenzie Việt Nam nêu thực tế, “đa số vụ việc chúng tôi xử lý qua biện pháp thương lượng, đạt kết quả tốt hơn trong thời gian ngắn. Còn nếu đưa ra tòa để xử lý, thường bị kéo dài thời gian. Thời gian càng kéo dài, thiệt hại cho khách hàng càng lớn”. Có thể thấy vai trò của tòa án trong vấn đề xử lý các vụ xâm phạm quyền SHTT khá mờ nhạt, có 98,37% được xử lý bởi các cơ quan hành chính (thanh tra chuyên ngành; Cục Thương mại điện tử; Trung tâm Internet Việt Nam - có trách nhiệm thu hồi tên miền - nếu không xử lý vi phạm).

Hiện nay, hệ thống tòa án chưa có cán bộ chuyên trách hay thẩm phán có trình độ chuyên môn sâu về SHTT nên hiếm có vụ việc giải quyết bằng con đường tòa án. Bà Phan Thị Cẩm Tú thuộc Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ gợi ý, đối với những trang miền vi phạm quyền SHTT nên tận dụng sự hỗ trợ của các nhà quảng cáo. Bởi các công ty quảng cáo là “bầu oxy” của các trang vi phạm, nhất là trong lĩnh vực điện ảnh. Tuy nhiên, gợi ý này chỉ hợp lý khi các công ty quảng cáo cũng ý thức được việc phải tuân thủ pháp luật.

Từ thực tế này, có thể thấy, nhận thức quyền của các chủ quyền SHTT đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh việc cần đăng ký quyền SHTT trí tuệ, xây dựng các phương án bảo vệ quyền… thì các chủ sở hữu quyền cũng cần có chiến lược chia sẻ lợi ích đến với các doanh nghiệp trung gian cung cấp dịch vụ, hợp lý hóa trong chi phí bản quyền để giảm tối đa việc vi phạm bản quyền do chi phí mua bản quyền cao.