Bất chấp tiền ảo biến động mạnh và chưa được công nhận, máy đào tiền ảo vẫn nhập mạnh về Việt Nam

PV. (Tổng hợp)

Tính từ đầu năm 2018 đến ngày 10/6/2018, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) đã làm thủ tục cho 3.664 máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo trên mạng nhập khẩu về TP. Hồ Chí Minh.

Bộ máy đào tiền ảo nhập khẩu của hãng Bitmain. Ảnh: Reuters.
Bộ máy đào tiền ảo nhập khẩu của hãng Bitmain. Ảnh: Reuters.
Hiện máy xử lý dữ liệu tự động không nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu nên doanh nghiệp làm thủ tục một cách dễ dàng. 
Các "thợ đào" Bitcoin cho biết sử dụng "máy đào tiền ảo" vẫn là giải pháp an toàn nhất đối với giới đầu tư tiền ảo vì khả năng rủi ro thấp nhất so với lướt sóng đầu cơ trên sàn giao dịch. Đây chính là một trong những lí do chính khiến dù chi phí để đầu tư máy cày tiền ảo không hề nhỏ, nhưng nhiều người vẫn quyết tâm bỏ vài trăm đến vài tỷ đồng để đầu tư dàn máy đào tiền ảo.
Theo Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh), tính từ đầu năm 2018 đến ngày 10/6/2018, đơn vị này đã làm thủ tục cho 3.664 máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo trên mạng nhập khẩu về TP. Hồ Chí Minh. 

Các lô hàng trên do doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức nhập khẩu và làm thủ tục hải quan qua Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh. Trong đó, có 4 doanh nghiệp nhập khẩu hơn 3.000 máy, số còn lại do các cá nhân, tổ chức không có mã số thuế nhập khẩu. Dù có nhiều loại máy, nhưng chủ yếu là máy tính xử lý dữ liệu tự động Bitcoin; Máy tính xử lý dữ liệu tự động Antminer. Ngoài ra, có một số máy thuộc dạng máy chủ server ảo,…
Thông tin của Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh cũng cho thấy, theo tìm hiểu của cơ quan này, trong số 4 doanh nghiệp nhập khẩu hơn 3.000 máy xử lý dữ liệu, có một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh mặc dù mới thành lập và hoạt động được hơn 8 tháng, nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, doanh nghiệp này đã làm thủ tục nhập khẩu gần 2.300 máy. 

Được biết, trong năm 2017 có trên 7.000 máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo bitcoin, litecoin trên mạng được nhập khẩu về TP. Hồ Chí Minh qua đường chuyển phát nhanh do 7 doanh nghiệp nhập khẩu và một số cá nhân, tổ chức không có mã số thuế thực hiện nhập khẩu. 

Trong đó, cá nhân, tổ chức không có mã số thuế thực hiện nhập khẩu đến gần 3.000 bộ, số còn lại do các doanh nghiệp nhập khẩu. Như vậy, tính đến nay, chỉ tính riêng tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có gần 11.000 máy “đào tiền” nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh.

Năm 2018, chỉ tính riêng hơn 4 tháng đầu năm, lượng máy đào tiền ảo nhập về Việt Nam đã đạt hơn 6.300 bộ, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn gồm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. 

Liên quan đến tiền ảo, tại phiên chất vấn chiều 6/6/2018 Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, trả lời câu hỏi của một số đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay, pháp luật Việt Nam không thừa nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán, nhưng việc giao dịch, mua bán tiền ảo với tư cách là một tài sản vẫn đang diễn ra trên lãnh thổ nước ta. Ngoài ra, thời gian qua, việc mua máy đào về để đào tiền ảo cũng diễn ra khá sôi động.
Trước đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về việc tăng cường quản lý hoạt động liên quan đến Bitcoin và tiền ảo. Theo đó, cơ quan này đề xuất áp dụng biện pháp dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền ảo bởi việc sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động để khai thác tiền ảo có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phức tạp trong công tác quản lý, dễ bị các đối tượng lợi dụng để sử dụng như tiền tệ hoặc một phương pháp thanh toán khác.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/04/2018 về yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo...