Bắt khẩn cấp 6 người vụ nhuộm than pin với phế phẩm cà phê

Theo N.H/thoidai.com.vn

Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định bắt khẩn cấp 6 người trong vụ nhuộm than pin với phế phẩm cà phê vào chiều 23/4.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, chủ cơ sở chế biến phế phẩm cà phê với bột than pin. Nguồn: Internet
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, chủ cơ sở chế biến phế phẩm cà phê với bột than pin. Nguồn: Internet

Qua đấu tranh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã đủ chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317, Bộ luật Hình sự.

Đây là vụ việc gây xôn xao dư luận trong những ngày qua và nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ngành, các cấp. Nó ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê, để nông sản của Việt Nam, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trước đó, vụ sản xuất sản phẩm hỗ trợ chữa ung thư của Công ty Vinaca tại quận Kiến An, TP. Hải Phòng cũng bị Cơ quan điều tra Công an TP. Hải Phòng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Theo VOV.vn, 6 đối tượng bị bắt khẩn cấp gồm: Bà Nguyễn Thị Thanh Loan (chủ cơ sở dùng than pin nhuộm tạp chất cà phê), ông Nguyễn Xuân Bảo (chồng bà Loan) và Ngô Ngọc Sơn (người trực tiếp thực hiện hành vi nhuộm tẩm than pin) cùng 3 người khác.  

Theo Cơ quan CSĐT, dù Nguyễn Thị Thanh Loan và đồng phạm không dùng hỗn hợp phế phẩm cà phê nhuộm pin để sản xuất sản phẩm cà phê giả thì cũng dùng vào sản xuất thực phẩm.

Đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết: Cơ quan CSĐT sẽ tiếp tục đấu tranh để làm rõ động cơ, địa bàn mà các đối tượng đã tiêu thụ loại phế phẩm này.

"Khi xác định đây là thực phẩm thì trên cơ sở tài liệu, chứng cứ thu thập được sẽ là căn cứ để chúng ta xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 317, Bộ luật Hình sự năm 2015. Chúng tôi cũng tiếp tục tập trung xác định nguồn này đã được tiêu thụ ở những địa bàn nào, qua lời khai ban đầu thì một phần được tiêu thụ ở tỉnh Bình Phước".

Trước đó, như Thời Đại đã thông tin, từ ngày 15-17/4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13, xã Đắk Wer) đang dùng dung dịch hỗn hợp nước và pin để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê, nghi là để sản xuất cà phê bẩn.

Phòng Cảnh sát Môi trường đã phối hợp với ngành chức năng lập biên bản, niêm phong 21 tấn phế phẩm cà phê đã ngâm, tẩm nhuộm đen và được đóng bao bì, 40 lít dung dịch, 35kg pin bị đập dẹp, 192kg lõi, nắp và vỏ pin.

Ngày 23/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông sớm điều tra để có kết luận vụ việc trộn lõi pin vào phụ phẩm cà phê, cùng với đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.