'Bó tay' với tín dụng đen?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Liên tiếp những vụ vỡ nợ, xiết nợ xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước như: Hà Nội; Lạng Sơn; Quảng Ngãi… trong thời gian gần đây cho thấy “cơn lốc” tín dụng “đen” đang lan nhanh gây ra nhiều hệ lụy lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, gây ra những bất ổn trong đời sống xã hội.

'Bó tay' với tín dụng đen?
Tín dụng "đen" gây nhiều hệ lụy. Nguồn: internet
Nhiều vụ vỡ nợ với số tiền “khủng”

Tín dụng “đen” là các hoạt động vay mượn giữa các cá nhân không qua hệ thống các tổ chức tín dụng chính thức. Dù bị cấm hoạt động nhưng tín dụng “đen” vẫn đang tồn tại trong đời sống xã hội dưới nhiều hình thức cả ngấm ngầm, cả công khai như: hụi, họ, cầm cố, cho vay không cần thế chấp, vay nóng...

Nhiều vụ vỡ nợ tín dụng “đen” với con số “khủng” hàng chục hay hàng trăm tỷ đồng thời gian qua cho thấy thực trạng đáng báo động của thị trường tài chính, tiền tệ phi chính thức này.

Điển hình vụ vỡ nợ vào tháng 7/2013 của vợ chồng Nguyễn Văn Trung và Tạ Bích Liên ở Lạng Sơn với “quy mô” có thể lên tới 600 tỷ đồng. Trước đó, cũng có hàng loạt các vụ vỡ nợ đã xảy ra,  như vụ Tạ Việt Quang lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt khoảng 300 tỷ đồng tại Đan Phượng (Hà Nội); vụ Nguyễn Thị Dậu chiếm đoạt khoảng 200 tỷ đồng ở Hà Đông (Hà Nội), vụ Nguyễn Thị Hoàng Hoa, TP. Hồ Chí Minh tuyên bố vỡ nợ rồi chiếm đoạt đến gần 500 tỷ đồng. ..

Các vụ vỡ nợ đều có chung một kiểu quen thuộc đó là, vay tiền của nhiều người với lãi suất cao. Ban đầu, đối tượng vay trả lãi rất đúng hẹn sau đó tuyên bố vỡ nợ hoặc bỏ trốn do mất khả năng thanh toán.

Đáng nói là câu chuyện này luôn được cảnh báo, hậu quả nặng nề, nhưng nhiều người vẫn chạy theo hoạt động tín dụng “đen”.

Theo luật sư Đinh Nhật Quang – Văn phòng Luật sư Leadco: Tín dụng “đen” có đất phát triển một phần là do sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân, một phần do người cho vay bị hấp dẫn bởi lãi suất cao, hoặc người đi vay vì cần tiền gấp nhưng do khó tiếp cận hệ thống các tổ chức tín dụng bởi thủ tục rườm rà, không có tài sản thế chấp nên sẵn sàng bấu víu vào tín dụng đen bất chấp những rủi ro.

Đặc trưng cơ bản nhất của tín dụng “đen” là có lãi suất huy động và cho vay cao, trong khi thủ tục thực hiện rất đơn giản.

Nếu cần vay, không cần tài sản thế chấp, chỉ cần một tờ giấy viết tay với những thông tin cơ bản về tên tuổi, địa chỉ là người vay có thể vay được tiền.  Nhưng đổi lại, người vay lại phải chịu mức lãi suất rất cao, phổ biến ở mức 5 nghìn đồng/triệu/ngày, tương đương với khoảng gần 200%/năm, gấp hàng chục lần so với lãi suất của ngân hàng.

Thủ tục mặc dù đơn giản, nhưng điều kiện để đảm bảo các khoản nợ là “luật rừng”. Và trên thực tế đã có hàng loạt vụ siết nợ đẫm máu xảy ra.

Từ các vụ vỡ nợ tín dụng “đen” còn cho thấy nhu cầu về vốn trên thực tế của các cá nhân, doanh nghiệp rất cao…

Vẫn khó xử lý

Theo quy định hiện hành, chỉ có các tổ chức được nhà nước cấp phép mới được hoạt động kinh doanh tiền tệ. Nếu không có giấy phép, không có đăng ký kinh doanh mà vẫn  thực hiện cho vay là vi phạm pháp luật. Câu hỏi đặt ra là vì sao loại hình tín dụng “đen” ngang nhiên vẫn tồn tại?

Luật sư Đinh Nhật Quang cho rằng, tín dụng “đen” khó kiểm tra, xử lý một cách triệt để vì nó chỉ diễn ra ngầm giữa các cá nhân với nhau, không có một thủ tục vay mượn chính thức nào. Hơn nữa, trong hoạt động tín dụng “đen”, cả người cho vay và người đi vay đều cùng có lỗi, và vì vậy, họ phải gánh chịu hậu quả.

Bên cạnh đó hình phạt cho các hành vi này chưa đủ sức răn đe. Chẳng hạn, hình phạt cao nhất với tội cho vay nặng lãi là phạt tù 3 năm và phạt tiến tới 5 lần số lợi nhuận đối với hành vi cho vay nặng lãi thu lợi bất chính lớn và có tính chất chuyên bóc lột. Nhưng xác định thế nào là thu lợi bất chính lớn và có tính chuyên bóc lột thì rất khó vì không có bằng chứng.

Hoạt động tín dụng “đen” xuất hiện từ nhiều năm qua, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, nhưng đến nay vẫn có đất để “sống khỏe”. Phải chăng cơ quan chức năng đành “bó tay” với tình trạng này?