“Bức tường lửa” ngăn chặn tội phạm thương mại điện tử

PV.

(Tài chính) Từ ngày 1/7/2013, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử có hiệu lực, thay thế Nghị định 57/2006/NĐ-CP vốn đã lạc hậu so với thực tế. Thông tư hướng dẫn hiện đang được Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện để Nghị định kịp thời và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Nghị định mới cũng như thông tư hướng dẫn và chế tài xử phạt cụ thể đang được kỳ vọng là “bức tường lửa”, góp phần ngăn chặn các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo, trục lợi giúp thương mại điện tử phát triển lành mạnh, hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: 123rf.com
Ảnh minh họa. Nguồn: 123rf.com

Rộ các vụ lừa đảo thương mại điện tử

Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang tích cực tham gia thương mại điện tử nhằm từng bước thay đổi cách thức kinh doanh, giao dịch truyền thống và đem lại những lợi ích to lớn cho xã hội. Tuy nhiên với sự phát triển như vũ bão của thương mại điện tử, trong quá trình giao dịch, kinh doanh trên mạng ở nước ta cũng nảy sinh không ít bất cập và kéo theo rất nhiều rủi ro cho các bên tham gia.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trong 5 năm qua, có nhiều vụ lừa đảo bán hàng qua mạng giá trị lên tới vài trăm tỉ đồng, còn những vụ nhỏ thì không kể hết. Thậm chí, có một số vụ như  trường hợp các Công ty Mua bán 24, Tâm Mặt Trời hay Cộng đồng Việt trước đây, từng lừa đảo hàng chục nghìn người, với tổng số tiền lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng xung quanh sự kiện lừa đảo tinh vi nhưng cũng hết sức công khai của Công ty cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến Mb24 cuối năm 2012. Theo đó, Công ty này đã bán hơn 118.000 gian hàng điện tử trên web muaban24.vn cho nhiều người trên hơn 30 tỉnh, thành phố. Nhưng thực tế, chỉ có khoảng 5% tổng số gian hàng có hàng để bán. Còn lại chỉ với mục đích mua suất, kêu gọi, lôi kéo người tham gia đóng tiền để hưởng hoa hồng.

Điều đáng ngạc nhiên là Cơ quan điều tra xác định công ty này không được cấp phép kinh doanh gian hàng điện tử mà thực chất là kinh doanh đa cấp. Muaban24 đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh và kiếm lợi với doanh thu tới 700 tỷ đồng/năm.

Rất may, Cơ quan điều tra đã nhanh chóng vào cuộc để khởi tố, bắt giữ những người liên quan trong vụ lừa đảo này, nếu không, không biết sẽ có thêm bao nhiêu người nữa, trong đó không ít người dân nghèo sẽ trở thành nạn nhân đáng thương của hình thức tội phạm mới này.

“Bức tường lửa” ngăn chặn những vi phạm

Đã gần 7 năm kể từ khi Nghị định 57/2006/NĐ-CP về thương mại điện tử được ban hành và đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, với sự phát triển từng ngày của thương mại điện tử, đến nay, Nghị định 57/2006/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập, lạc hậu so với thực tế. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có các giải pháp không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn cần phải hình thành được một cơ sở pháp lý đầy đủ, đáp ứng những yêu cầu của pháp luật quốc tế để có thể hội nhập và theo kịp các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực này.

Quả thật, thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển nhanh, cần thiết phải có văn bản pháp quy chặt chẽ, cụ thể với hiệu lực đủ mạnh để hạn chế những vi phạm phát sinh. Đặc biệt, sau khi xảy ra hàng loạt các vụ lợi dụng mạng Internet và hệ thống thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm nghìn người, thì việc ra một nghị định mới về quản lý hoạt động thương mại điện tử là thực sự cần thiết. Trước những yêu cầu thực tế đó, Bộ Công Thương đã ban hành 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử để triển khai áp dụng từ ngày 1/7 tới đây. Trong thời gian qua, Bộ này cũng đã tổ chức phổ biến những quy định mới tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), Nghị định 52 có nhiều điểm mới đáng chú ý. Trước hết là quy định đối tượng tham gia thương mại điện tử khá rộng; hình thức hoạt động thương mại điện tử gồm: website thương mại điện tử bán hàng và cung cấp dịch vụ điện tử cùng những hình thức khác. Nghị định cũng đề ra cách thức về quản lý thương mại điện tử: website thương mại điện tử bán hàng thì phải thông báo trực tuyến với Bộ Công thương; website cung cấp dịch vụ điện tử phải đăng ký và những dịch vụ thương mại đặc biệt phải được cấp phép. Đặc biệt, với quy định về các nhóm hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thương mại điện tử, như sử dụng thương mại điện tử để huy động tài chính, bán hàng đa cấp qua mạng, mua bán hàng hóa không được phép… Nghị định cũng quy định rõ tất cả công tác quản lý Nhà nước về thương mại điện tử phải thông qua công cụ trực tuyến ở mức độ cao nhất, thông báo qua hình thức online. Một điểm nổi bật nữa là các chủ thể, các website điện tử đều công khai trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động Thương mại điện tử do Bộ Công Thương chủ trì. Cổng thông tin này cũng là nơi tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân về các website thương mại điện tử có hành vi vi phạm để kịp thời xử lý. Trước những quy định chặt chẽ và đầy đủ như vậy, nhiều người cho rằng Nghị định mới này sẽ là “bức tường lửa” ngăn chặn được nguy cơ lợi dụng mạng Internet và hệ thống thông tin điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trước một số ý kiến cho rằng, Nghị định mới chỉ giúp giải quyết được những bất cập đã bộc lộ trước đây, trong khi những vấn đề mới phát sinh trong lĩnh vực thương mại điện tử thì vẫn chưa xử lý hết được, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, không thể kỳ vọng tất cả các vấn đề đều được đưa hết vào Nghị định 52, những thiếu sót, bất cập của Nghị định 52 sẽ được hoàn thiện dần trong quá trình vận dụng vào thực tế. Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định, sau khi Nghị định 52 ban hành thì cũng cần có khoảng thời gian cho Nghị định đi vào cuộc sống, bộc lộ những vấn đề liên quan đến triển khai nghị định. Như vậy, mới có đủ cơ sở xây dựng nghị định hoặc văn bản pháp quy đầy đủ hơn điều chỉnh những điều còn thiếu hay những chế tài xử lý.

Dù sao cũng phải công nhận rằng, sự ra đời của Nghị định mới này sẽ góp phần hạn chế những bất cập về thương mại điện tử hiện nay, qua đó tạo cơ sở để lĩnh vực này phát triển bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của kinh tế đất nước trong thời gian tới.

4 nhóm hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử

Nhóm thứ nhất là một số vi phạm về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, như: tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ thương mại điện tử, trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới; Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh...

Nhóm thứ hai là vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử như giả mạo thông tin đăng ký hoặc không tuân thủ các quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin đăng ký trên website thương mại điện tử; Sử dụng biểu trưng của các chương trình đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử khi chưa được những chương trình này công nhận;...

Nhóm thứ ba là vi phạm về giao dịch trên website thương mại điện tử gồm thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử; Giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử...

Nhóm thứ tư, là các vi phạm khác như đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...