Hà Nội:

Buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại vẫn phức tạp

Theo baohaiquan.vn

Trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp.

Lực lượng liên ngành Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội phát hiện rượu ngoại không rõ nguồn gốc.
Lực lượng liên ngành Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội phát hiện rượu ngoại không rõ nguồn gốc.

Sáng ngày 12/7, Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.

Ông Chu Xuân Kiên - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội,Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Tại Hà Nội, nhìn chung các hiện tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả đã được hạn chế do sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương… Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quy mô, thủ đoạn khác nhau”.

Các đường dây, ổ nhóm nhập lậu, vận chuyển, tập kết và buôn bán hàng nhập lậu vẫn tồn tại. Các đối tượng khi bị kiểm tra thường dùng hóa đơn mua hàng với giá trị thấp hơn so với giá bán trên thị trường, quay vòng hóa đơn.

Hàng hóa được vận chuyển, tập kết ở các tỉnh ven Hà Nội,từ đó đi vào thành phố theo nhiều cung đường, địa điểm, thời gian khác nhau. Tồn tại tình trạng gian lận thương mại trong kê khai hàng hóa nhập khẩu (kê không đúng số lượng, chủng loại, mã hàng hóa).

Riêng đối với công tác chống hàng giả, các đối tượng làm hàng giả có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, được tổ chức chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, mặt hàng, đối tượng. Hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng đường tiểu ngạch. Mặt khác, các đối tượng còn lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đặt hàng hóa từ nước ngoài giả xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ.

Chia sẻ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang được xã hội quan tâm, ông Chu Xuân Kiên cho biết: “Do sức mua giảm, hàng hóa tiêu thụ chậm, nhiều hàng hóa hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng, tồn kho dẫn tới hành vi sửa hạn sử dụng.

Tình hình vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm đưa vào tiêu thụ tại thành phố vẫn còn tồn tại. Việc kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, bánh, mứt, kẹo, thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, thủy hải sản, thực phẩm chức năng… không đảm bảo an toàn thực phẩm còn tồn tại, chủ yếu ở các cơ sở sản xuất thủ công”.

Theo Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, từ nay đến cuối năm sẽ là khoảng thời gian các đối tượng buôn lậu, buôn hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng sẽ có nhiều chiều hướng phức tạp.Tại các điểm nóng, Ban chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu.

Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện Hoàn Kiến, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh đã tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng lậu, hàng giả tại các chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp, chợ đầu mối Đền Lừ, Hải Bối, Long Biên.

Ban chỉ đạo 389 huyện Thường Tín, Phú Xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp, kiểm tra gia cầm, giống gia cầm không rõ nguồn gốc vào chợ gia cầm Hà Vĩ, gà giống, trứng giống tại xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên. Ban Chỉ đạo 389 quận Bắc Từ Liêm, huyện Hoài Đức chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra về an toàn thực phẩm tại làng nghề Xuân Đỉnh và làng nghề La Phù, Dương Liễu…

Ghi nhận những kết quả đã đạt được của Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội chia sẻ: 6 tháng đầu năm, Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị vẫn còn hạn chế, đôi lúc còn chưa có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt và kịp thời ở một số vụ việc và thời điểm. Các vụ việc xử lý có tính chất đường dây, ổ nhóm vẫn chưa được nhiều. Công tác quản lý ở một số điểm như chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp, kho, bến bãi chưa được chặt chẽ”.

Ông Lê Hồng Sơn đề nghị: Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao cũng là khoảng thời gian các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng gia tăng.

Do vậy, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, các cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời, các lực lượng cần rèn luyện tác phong, nề nếp, kỷ luật, kỷ cương để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại”.