Buôn lậu cuối năm: Nóng trên từng cây số đường biên

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Cuối năm là thời điểm các đối tượng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái hoành hành. Đặc biệt, lợi dụng chính sách biên mậu, mỗi cư dân biên giới được phép giao thương 2 triệu đồng mỗi ngày, nhiều đối tượng đã thuê cư dân vùng biên giới xé lẻ hàng lậu tuồn vào nội địa. Và như vậy, vô hình trung, chính sách lại khiến cuộc chiến chống buôn lậu trở nên khó khăn hơn.

Buôn lậu cuối năm: Nóng trên từng cây số đường biên
Cuối năm là thời điểm các đối tượng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái hoành hành. Nguồn: internet
Biên giới "nóng”

Trong các tỉnh giáp biên giới phía Bắc, Lạng Sơn có lẽ là địa bàn nóng nhất về tình hình buôn lậu, khi mà tỉnh này có đường biên giới dài tới hơn 200 cây số với Trung Quốc. Đặc biệt địa hình có nhiều đường mòn, lối tắt rất hợp để các đầu nậu buôn lậu "dụng võ”. Đặc biệt, nhiều chính sách của Nhà nước đang bộc lộ những kẽ hở khiến cho các đối tượng buôn lậu hoành hành mạnh mẽ hơn, tinh vi hơn.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2013, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý gần 1.200 vụ buôn lậu hàng hóa các loại, giá trị hàng hóa tịch thu, thu phạt vi phạm hành chính, truy thu thuế là trên 22 tỷ đồng; kiểm tra xử lý gần 1.100 vụ buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu.

Con số là như vậy, song theo lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, do địa hình của tỉnh khá phức tạp, lại đông dân cư sống sinh sống sát đường biên nên việc ngăn chặn tình trạng các đối tượng buôn lậu lợi dụng cư dân lén lút xách hàng lậu qua biên giới rồi tập kết đưa sâu vào nội địa để tiêu thụ là rất khó khăn.

Không chỉ ở Lạng Sơn, tình hình chống buôn lậu ở các tỉnh giáp biên giới khác như Quảng  Trị (cửa khẩu Lao Bảo) hay Quảng Ninh (cửa khẩu Móng Cái)… cũng gặp gặp những khó khăn tương tự.

Theo nhận định của cơ quan quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị, các đối tượng là đầu nậu chủ yếu tuồn các loại hàng hóa như bia, rượu, nước giải khát, đồ điện tử… vào trong nước bằng việc xé lẻ hàng hóa rồi thuê đồng bào, cư dân vùng biên giới vận chuyển qua cửa khẩu.

Còn tại cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh, từ tháng 10/2013 đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP. Móng Cái liên tục bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả… có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập lậu qua biên giới vào nội địa Việt Nam. Theo thống kê của lực lượng chức năng, chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, lực lượng chống buôn lậu nơi đây đã bắt giữ, xử lý 118 vụ vi phạm, trị giá 4 tỷ 140 triệu đồng…
 
Kẽ hở chính sách

Như vậy, có thể thấy, dù là 3 địa phương khác nhau nhưng Quảng Ninh, Quảng Trị, Lạng Sơn đều có điểm chung là có đường biên giới rất dài, địa hình phức tạp và có đông cư dân sinh sống thuộc các tỉnh sát vùng biên. Đây chính là những điểm lợi mà các đối tượng buôn lậu lợi dụng để thực hiện hành vi của mình ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Đặc biệt, một trong những chính sách hiện nay vô tình đã tiếp tay cho nạn hàng lậu, hàng giả hàng nhái hoành hành dữ dội, đó là chính sách biên mậu ưu tiên bà con cư dân vùng biên giới được phép giao thương 2 triệu đồng mỗi ngày. Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, công tác phòng chống buôn lậu khó khăn hơn, một phần chính do kẽ hở về chính sách.

Tại buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về tình hình chống buôn lậu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức mới đây, vị đại biểu này đã thẳng thắn nhận định rằng: "Chính sách biên mậu, mỗi cư dân biên giới được phép giao thương 2 triệu đồng mỗi ngày, đang bị các đầu nậu lợi dụng bằng cách thuê dân làm cửu vạn xé lẻ hàng lậu mang qua biên giới vào nội địa. Chính sách ưu tiên luồng xanh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu uy tín cũng sơ hở, điển hình là vụ 230kg ma túy lọt cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua”.

Như vậy, rõ ràng chính sách đang bộc lộ nhiều sơ hở, trong khi đó chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, lực lượng chức năng lại khá mỏng (theo như nhận định của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, hiện cả nước có khoảng hơn 5.000 cán bộ làm công tác quản lý thị trường. 5000 người chia cho 63 tỉnh thành, theo ông Hoàng, số lượng cán bộ quản lý thị trường ở mỗi địa phương như vậy là quá ít, khó có thể kiểm soát được hết các địa bàn hoạt động của các đối tượng)... Như vậy, có thể thấy, có… 1001 lý do để các đối tượng vin vào đó mà tung hoành.

Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng, các đầu nậu chỉ có thể thực hiện được hành vi buôn  lậu của mình khi có sự tiếp tay của cư dân  vùng biên giới. Và những cư dân thực hiện hành vi tiếp tay này chủ yếu lại là những người dân không có việc làm, thu nhập thấp, không ổn định…

Cho dù thời gian qua, các nhà quản lý đã tìm nhiều giải pháp để giảm thiểu vấn nạn buôn lậu, tuy nhiên, thực tế là, vấn nạn này vẫn đang gây nhiều bức bối cho xã hội, và có phần nghiêm trọng hơn, phức tạp hơn vào dịp cuối năm.

Một cán bộ Cục Quản lý thị trường cho rằng, để giảm thiểu vấn nạn này, sử dụng biện pháp rắn như tăng chế tài có lẽ chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, cần phải thúc đẩy sản xuất trong nước, đặc biệt tập trung sản xuất những mặt hàng được nhập lậu với số lượng lớn, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, vấn đề căn cơ vẫn phải là tạo việc làm và thu nhập ổn định cho cư dân biên giới. Bởi theo ông, điều kiện kinh tế của cư dân vùng biên giới hết sức khó khăn, thu nhập thấp nên rất dễ dàng tiếp tay cho buôn lậu. Khi người dân có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, tự khắc họ sẽ quay lưng lại với vấn nạn này và đây mới chính là giải pháp mang tính dài hơi, hiệu quả.