Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Hiện nay, tình hình buôn lậu, buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn ra phức tạp, với mức độ và quy mô hơn. Vậy đâu là nguyên nhân cốt lõi của tình trạng này?

Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp
Cơ quan hải quan tích cực kiểm tra hàng xuất nhập khẩu. Nguồn:Internet
Năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn khó khăn, khiến tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại chưa có dấu hiệu giảm. Trên các tuyến biên giới Việt – Trung, Việt – Lào, Việt Nam – Campuchia vẫn còn tình trạng nhập lậu pháo, hải sản đông lạnh, gia cầm, rượu, bia, mỹ phẩm, dầu DO, phế thải các loại...

Ngoài khu vực cửa khẩu, tuyến biên giới biển cũng được tận dụng triệt để, nhất là các vùng biển Đông Bắc, bắc miền Trung và biên giới Tây Nam. Các mặt hàng khoáng sản, nông sản, động vật hoang dã, kim loại quý hiếm cũng được xuất lậu sang nước thứ hai, thứ ba qua ngách cửa khẩu biên giới.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng đã phát hiện ra nhiều hình thức buôn lậu mới như: quay vòng hóa đơn, hồ sơ hàng hóa đối với các mặt hàng quan trọng; xé lẻ vận chuyển hàng bằng xe khách, xe tải với các mặt hàng tiêu dùng; sử dụng xe du lịch chở gà lậu, vải lậu chở bằng xe ben chở cát. Các đối tượng còn lợi dụng chính sách xuất khẩu chính ngạch để xuất lậu một cách dễ dàng, hồ sơ là hàng đủ điều kiện xuất khẩu, nhưng lại vận chuyển hàng thô...

Phó tư lệnh Bộ đội biên phòng Nguyễn Cảnh Hiền cho biết, các đối tượng buôn lậu đang lợi dụng chính sách biên mậu ở vùng biên giới được mua định mức hàng hóa 2 triệu đồng/người/lượt, để hợp lý hóa vận chuyển hàng hóa qua biên giới, thu gom rồi vận chuyển vào nội địa.

Không chỉ cửa khẩu, đường biển, hàng không, đường sắt, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, vi phạm về an toàn thực phẩm tiếp tục gia tăng ở mức báo động. Trong năm 2012, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 62.000 vụ, tăng 26.800 vụ, trị giá vi phạm lên tới 406,7 tỷ đồng. Gian lận trong khai báo hải quan vẫn tiếp tục diễn ra, chủ yếu lợi dụng kẽ hở trong cơ chế, chính sách.

Ví dụ như lợi dụng hình thức ưu đãi miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, lợi dụng hình thức chuyển cửa khẩu, tạm nhập tái xuất, khai báo sai về số lượng, tên hàng, mã số thuế, gian lận định mức nguyên phụ liệu. Trong khi đó, chế độ hóa đơn chứng từ theo Thông tư 60 không thể truy ngược được nguồn gốc hàng hóa do đối tượng buôn lậu gom nhiều loại hàng hóa ghi trong một hóa đơn chung chung. Ngoài ra, đối với mặt hàng gà nhập lậu, Thông tư 40 mới quy định chỉ tịch thu, tiêu hủy nếu nằm trong vùng dịch nên gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng khi xử lý.

Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Vương Trí Dũng đề nghị, cần sửa đổi Thông tư 60 để có thể truy ngược về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa khi bị bắt giữ, tránh tình trạng chủ hàng lậu lợi dụng ghi hóa đơn chung chung để không bị phát hiện.

Một vấn đề nổi cộm trong hoạt động chống buôn lậu và gian lận thương mại năm 2012 và 2013 là các mặt hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả thường được sản xuất ở nước ngoài, rồi ngụy trang đưa trở lại thị trường nội địa dưới nhiều hình thức. Trong khi, lực lượng chức năng còn mỏng, cơ sở vật chất và phương tiện còn nhiều hạn chế.

Từ thực tế này đòi hỏi sự phối hợp liên ngành trong việc tuần tra, kiểm soát tại các khu vực biên giới cửa khẩu, cảng biển trước khi vào thị trường nội địa. Đồng thời cần có chế tài xử phạt hợp lý và mang tính chất răn đe.

Công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại trong năm nay và những năm tiếp theo còn nhiều cam go. Thực tế đòi hỏi chính quyền địa phương và các ngành liên quan (như công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường và an toàn thực phẩm) phải tăng cường, siết chặt và trọng tâm hơn nữa công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử phạt, nhất là trên địa bàn, tuyến biên giới tiếp tục nhức nhối về buôn lậu.

Hiện Ban Chỉ đạo 127 Trung ương và Bộ Công thương khẳng định, sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Chương trình quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; kiến nghị sửa đổi một số chính sách về chế độ hóa đơn, chính sách biên mậu... để dần đẩy lùi nạn hàng lậu, hàng giả từ các nước khác vào nước ta.

Song, các ngành chức năng khác, sự phối hợp tổ chức cần được tính toán cụ thể hơn để nâng cao hiệu quả liên ngành, địa phương có tuyến biên giới cửa khẩu, đường biển và đường hàng không trong công tác này. Có như vậy mới hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ nền sản xuất trong nước, cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.