Buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi, phức tạp

PV.

Thời gian qua, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại mặc dù đã giảm, song lại diễn biến ngày càng phức tạp, xuất hiện nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phát hiện nhiều vụ buôn lậu với thủ đoạn tinh vi

Lực lượng hải quan thời gian gần đây liên tục phát hiện những vụ buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả. Các đối tượng đã sử dụng nhiều hình thức gian lận tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng, tiềm ẩn những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất trong nước và làm thất thu ngân sách nhà nước.

Các hành vi gian lận trên thường tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có sự chênh lệch lớn về giá giữa trong nước và ngoài nước. Đặc biệt là các sản phẩm chịu mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như: rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thuốc tân dược, điện tử; các mặt hàng tiêu thụ nhiều như bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm, hàng may mặc...

Thủ đoạn được các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thường sử dụng là lợi dụng việc hàng hóa được phân vào luồng Xanh và luồng Vàng, tức là được miễn kiểm tra thực tế, để khai báo thuế suất 0%, trong khi thực tế lại là hàng có thuế suất cao hoặc để nhập lậu hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu.

Điển hình là vụ việc đầu tháng 8/2016, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã kiểm tra 22 container của một số doanh nghiệp xuất khẩu qua cảng Cát Lái TP. Hồ Chí Minh. Trên tờ khai hải quan, các doanh nghiệp khai báo là lâm sản thuộc mặt hàng khuyến khích xuất khẩu với thuế suất ưu đãi 0% nhưng thực tế lại là các mặt hàng có thuế suất từ 10 % đến 20% với mục đích trốn thuế.

Trước đó, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phát hiện 8 container cũng dùng thủ đoạn này để xuất lậu nhôm thỏi và đồng phế liệu có thuế suất từ 20 đến 22%, với số thuế nếu xuất lậu trót lọt lên tới gần 3 tỷ đồng tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài thủ đoạn trên, các đối tượng còn lợi dụng loại hình quá cảnh đối với các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, lợi dụng việc khi khai báo tờ khai vận chuyển chỉ khai tên hàng đại diện để né tránh sự kiểm soát của cơ quan Hải quan.

Bên cạnh đó, Cục Điều tra chống buôn lậu cũng phát hiện việc lợi dụng chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên phụ liệu may mặc gia công xuất khẩu, để buôn lậu hàng đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.

Nỗ lực ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại lực lượng Hải quan

Trước tình hình diễn biến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng phức tạp, Tổng cục Hải quan đã kịp thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt với các mặt hàng nhạy cảm.

Đồng thời, thực hiện nhiều chuyên đề, xác lập chuyên án đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm, giải quyết dứt điểm nhiều hiện tượng nóng, nổi cộm như buôn lậu xăng dầu, thiết bị y tế đã qua sử dụng, vận chuyển trái phép ma túy. Duy trì và phát huy hiệu quả các tổ, đội đặc nhiệm, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.

Ngay những tháng đầu năm 2016, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các lực lượng kiểm soát Hải quan tổ chức nắm chắc diễn biến tình hình các địa bàn trọng điểm; đồng thời xây dựng các kế hoạch, phương án đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Nhờ đó, trong 7 tháng đầu năm 2016, lực lượng Hải quan đã bắt giữ, xử lý thành công nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Theo đó, lực lượng hải quan đã tiến hành bắt giữ, xử lý trên 9,4 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong 7 tháng đầu năm 2016; xử lý tăng thu cho ngân sách 77 tỷ đồng; khởi tố 23 vụ, chuyển các cơ quan khác điều tra 42 vụ.

Trong thời gian tới, đặc biệt là thời điểm cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, Tổng cục Hải quan xác định, toàn Ngành sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát hải quan, chống buôn lậu gian lận thương mại nhằm đảm bảo an ninh kinh tế, bảo vệ sản xuất trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.