Buôn lậu trên biên giới Đồng Tháp phức tạp trở lại

Theo baohaiquan.vn

Từ cuối năm 2014 và đầu năm 2015, sau các đợt cao điểm tấn công vào hoạt động buôn lậu của các lực lượng chức năng, biên giới Đồng Tháp yên ắng hơn. Thế nhưng, từ quý II đến nay, hoạt động buôn lậu có dấu hiệu “trỗi dậy” với mặt hàng đường cát, thuốc lá, gỗ…

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp, địa bàn chủ yếu của buôn lậu trên biên giới Đồng Tháp vẫn là ấp 1, xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự. Tại khu vực này, các đối tượng buôn lậu thuê cư dân dùng xuồng máy chở thuốc lá ngoại, đường cát nhập lậu qua sông Sở Thượng.

Do dòng sông nhỏ, xuồng máy chạy với tốc độ cao nên chưa đến 2 phút thì các xuồng máy chở hàng lậu này đã đến bờ sông Sở Thượng phía Việt Nam. Trên bờ, các đối tượng buôn lậu túc trực sẵn và lập tức chuyển hàng lên xe gắn máy chuyển sâu vào nội địa và phân tán rải rác trong nhà dân. Sau đó, các đối tượng buôn lậu tiếp tục chuyển vào thị xã Hồng Ngự.

Ngoài ra, một đối tượng còn tổ chức vận chuyển hàng lậu tại khu vực cánh gà cửa khẩu Thường Phước và tuyến tỉnh lộ 841 Thường Phước - thị xã Hồng Ngự. Trong khi đó, khu vực nội ô thị xã Hồng Ngự là nơi trung chuyển thuốc lá ngoại, đường cát từ thị xã Hồng Ngự vào sâu nội địa.

Hiện nay, mặt hàng đường cát nhập lậu được các đối tượng vận chuyển do kiếm lời rất dễ, chỉ cần vận chuyển từ biên giới về đến thị xã Hồng Ngự, sau khi trừ chi phí có lãi khoảng 70.000 đồng/bao. Một lượt đi, 1 xe gắn máy chở từ 2 đến 4 bao và đi thành nhiều lượt trong ngày đã khiến cho cư dân ham lợi, không có việc làm đi buôn lậu mặt hàng đường.

Đối với mặt hàng thuốc lá ngoại, đối tượng buôn lậu hoạt động không theo quy luật nhất định, vận chuyển nhỏ lẻ nhiều lần trong ngày. Trước và trong khi vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu cũng như các mặt hàng khác, họ tổ chức dò, canh đường rất cẩn thận và thường xuyên tổ chức giám sát mọi hoạt động của lực lượng chức năng.

Khi bị các lực lượng chức năng truy đuổi thì phối hợp cản địa và bằng mọi cách thoát thân, không để lực lượng chức năng bắt giữ

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan Đồng Tháp đã bắt giữ khoảng 100 vụ buôn lậu, trị giá hàng hoá trên 1,3 tỷ đồng với các mặt hàng như đường, thuốc lá, gỗ xẻ, máy gặt đập liên hợp…

Lực lượng Công an tỉnh Đồng Tháp đã bắt giữ 464 vụ với 239 đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới với tang vật trên 250.000 gói thuốc lá ngoại, trên 300 chai rượu ngoại, 26 tấn đường… với tổng trị giá trên 3,3 tỷ đồng. Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp bắt giữ 145 vụ, trị giá tang vật trên 1 tỷ đồng…

Công tác chống buôn lậu hiện nay vẫn đang tồn tại một số khó khăn chưa thể giải quyết một sớm, một chiều. Mặc dù không đông đảo như các tỉnh biên giới khác nhưng các đối tượng buôn lậu trên địa bàn rất manh động, sẵn sàng chống đối, giành giật lại tang vật khi bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, nhất là các đối tượng vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu.

Ban 389 tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, các đối tượng vận chuyển hàng lậu, nhất là thuốc lá lậu thường là cư dân nghèo, không phương tiện sản xuất, không nghề nghiệp ổn định nên xem việc chở thuốc lá lậu là biện pháp mưu sinh duy nhất để nuôi sống bản thân và gia đình nên khi có hàng là họ chạy bạt mạng, bằng mọi giá đưa hàng về nội địa để kiếm tiền, các lực lượng chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý triệt để tình trạng này.

Song song đó, các đối tượng mua bán, vận chuyển hàng lậu cũng đã “phát minh” ra nhiều hình thức vận chuyển hàng lậu nhằm đối phó với các lực lượng chức năng.

Việc biến tấu đường cát là một ví dụ, nếu bị kiểm soát gắt gao, họ sẽ cho đường hoà tan vào nước sau đó dùng thùng nhựa chở về bán cho các cơ sở để chế biến lại khiến các lực lượng lúng túng trong xử lý. Có một mặt hàng nữa là máy gặt đập liên hợp (Đội Kiểm soát Hải quan Đồng Tháp đã bắt giữ 2 vụ chuyển Cục Hải quan Đồng Tháp khởi tố hình sự), khi bị bắt giữ, các đối tượng đã dùng thủ đoạn làm đơn gửi cơ quan chức năng tại cửa khẩu 2 nước xác nhận, xin chuyển máy từ Campuchia sang Việt Nam sửa chữa nhưng thực tế là hợp thức hoá việc mua bán, vận chuyển trái phép qua biên giới. Ngoài ra, họ còn dùng thủ đoạn tháo rời, xin mang phụ tùng sang Việt Nam sửa chữa sau đó lắp ráp thành nguyên chiếc.

Tại cuộc họp sơ kết công tác chống buôn lậu 6 tháng đầu năm 2015, các lực lượng chức năng nhận định trong những tháng cuối năm, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới sẽ gia tăng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Châu Hồng Phúc, Trưởng ban chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các lực lượng cần phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, phòng chống buôn lậu, đồng thời thay đổi cách thức tuyên truyền, nâng cao đời sống người dân biên giới, có thể công khai các đối tượng bị xử phạt hành chính về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.