Cam go cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái

Xuân Lan (Báo Đại biểu Nhân dân)

Hiện nay, khi nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn thì các doanh nghiệp tiếp tục phải đương đầu với nạn sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Nhiều đối tượng đã lợi dụng việc thắt chặt chi tiêu của người dân, chuyển sang dùng hàng rẻ tiền hơn để tung các loại hàng giả, hàng nhái ra thị trường, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp chân chính và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn vệ sinh thực phẩm chưa đến được với người dân, chưa đi vào cuộc sống. Sự bất cập trong thực thi chế tài xử phạt cũng là nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại trên thị trường.

Cam go cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái
Nguồn: laodong.com.vn

Nhìn bằng mắt thường, nhiều loại hàng giả trông giống hệt hàng thật, thậm chí màu sắc còn đẹp hơn, nếu khách hàng không xem kỹ thì đó là những sản phẩm tiêu dùng đã được làm giả ruột bên trong và bọc bởi những chiếc vỏ hấp dẫn, nhưng được bán với giá chỉ bằng một nửa hàng thật. Rượu giả chỉ làm bằng nước lã cộng cồn công nghiệp và hóa chất, còn bánh chỉ cần làm bằng nguyên liệu đã hết hạn sử dụng cộng với phẩm màu công nghiệp. Ngay cả đối với những mặt hàng có giá trị thấp như diêm, giấy ăn cũng bị làm giả, vì lợi nhuận từ sản xuất hàng giả đem lại không nhỏ, chỉ có doanh nghiệp chân chính thiệt hại, có khi phá sản. Theo Bộ Luật hình sự về tội sản xuất và buôn bán hàng giả, khi giá trị hàng hóa làm giả tương đương với hàng thật từ 30 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả nghiêm trọng mới bị xử lý hình sự, nên chủ sản xuất hàng giả chấp nhận nộp phạt vi phạm hành chính, rồi tiếp tục sản xuất. Phó giám đốc công ty TNHH 1 thành viên Giấy My Lan Trần Đình Thi cho biết, vấn đề đối với nhà sản xuất hiện nay là nạn hàng nhái, hàng giả, lợi dụng hình ảnh của công ty để kiếm lời bất chính. Trong khi việc xử phạt những đối tượng này không đủ sức răn đe. Vì vậy cần có chính sách kiên quyết hơn và các cơ quan Nhà nước vào cuộc để triệt phá được tệ nạn hàng nhái, hàng giả, người tiêu dùng mua được hàng chính hiệu.

Thực tế cho thấy thông tin giữa nhà sản xuất và các cơ quan chức năng rất yếu, do đó việc kiểm tra kiểm soát để bảo vệ cho người tiêu dùng và nhà sản xuất chưa đạt hiệu quả cao. Nhiều khi doanh nghiệp không đưa thông tin đến người tiêu dùng vì tâm lý sợ người tiêu dùng biết hàng của doanh nghiệp bị làm giả sẽ không mua, điều này cũng tạo điều kiện cho giới làm ăn bất chính lợi dụng. Một thực tế nữa là sự phối hợp liên ngành vẫn còn khá lỏng lẻo, khiến đối tượng làm hàng giả trốn thoát. Bên cạnh đó, cũng chưa phát huy vai trò và trách nhiệm của chính quyền, tận dụng được lực lượng là các địa phương, quận, huyện vào cuộc chiến chống hàng giả vì hơn ai hết, địa phương là “tai mắt” nắm tương đối rõ ổ, nhóm sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Nạn làm hàng nhái, hàng giả ở Việt Nam diễn biến phức tạp. Nhiều sản phẩm trong nước làm nhái của nhau, nghiêm trọng hơn việc làm hàng giả hàng nhái được tổ chức sản xuất với quy mô lớn từ nước ngoài rồi qua đường biên giới vào thị trường trong nước, núp dưới những tên của các hãng nổi tiếng trên thế giới. Hàng giả từ nước ngoài vào thị trường nước ta được chủ cửa hàng bán dưới dạng hàng tồn kho giảm giá, thậm chí lừa bán cả cửa hàng cho một chủ khác.

Theo khảo sát của Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, trên thị trường hiện nay có tới 95% số thương hiệu có uy tín bị làm giả, làm nhái. Đặc biệt nguy hiểm là các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, vé máy bay, các loại giấy tờ giả, con dấu giả… Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam Lê Thế Bảo cho rằng, để đấu tranh với nạn hàng giả, hàng nhái thì chất lượng hàng hóa phải tuân thủ các quy định của pháp luật theo tiêu chuẩn của Nhà nước đã ban hành trước khi đưa ra thị trường. Sự liên kết giữa nhà sản xuất và siêu thị, các cửa hàng phân phối phải chặt chẽ, kiểm soát lẫn nhau trong quá trình lưu thông.

Nhiều loại hàng giả, nhái nhãn hiệu đang công khai bày bán trên thị trường vì trang thiết bị kiểm nghiệm của nước ta còn thiếu và yếu. Mặt khác, quy định về tiêu chuẩn thế nào là sản phẩm giả, nhái nhãn hiệu chưa thực sự rõ ràng, nên đến khi có kết luận đó là hàng giả, nhái thì kẻ gian đã tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm. Vì vậy, đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái là cuộc chiến khó khăn lâu dài và phức tạp.