Cần cơ chế mua thông tin để đấu tranh chống chuyển giá

Theo Báo Hải quan

(Tài chính) Một trong những khó khăn của ngành Thuế hiện nay chính là việc xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá.

 Cần cơ chế mua thông tin để đấu tranh chống chuyển giá
Hoạt động tại Chi cục Thuế quận Tây Hồ (Hà Nội)

Để đấu tranh với chuyển giá rất cần sử dụng thông tin dữ liệu trong và ngoài nước, từ các tổ chức quốc tế chuyên cung cấp thông tin, nhưng hiện ngành Thuế chưa có căn cứ pháp lý, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin cũng như nguồn kinh phí phục vụ cho công việc này.

Theo Vụ trưởng Ban Cải cách Tổng cục Thuế Nguyễn Quang Tiến, thời gian qua, tình trạng các doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu chuyển giá, đặc biệt là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, cạnh tranh không bình đẳng với DN khác; từng bước thôn tính các DN trong nước trong liên doanh liên kết; tăng nhập siêu và tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn xã hội (do báo cáo lỗ nên tìm cách không nâng lương, thưởng cho công nhân, dẫn đến các cuộc đình công, bãi công).

Trong khi đó, để thu thập, sàng lọc thông tin về DN FDI là rất khó bởi không phải tất cả các cơ quan Thuế các nước đều sẵn sàng hợp tác để cung cấp thông tin, hoặc có thông tin để cung cấp và cung cấp kịp thời. Do vậy, hầu hết thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá của ngành Thuế phải mua với kinh phí khá tốn kém và mất thời gian.

Về phía ngành Thuế đã có nhiều cố gắng trong việc đấu tranh chống chuyển giá, mà trọng tâm là chống chuyển giá đối với các DN FDI và cả những tập đoàn kinh tế lớn trong nước. Tổng cục Thuế đang triển khai thí điểm các chuyên đề quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá trong từng lĩnh vực ở các cục thuế trọng điểm.

Tại Cục Thuế Hà Nội thực hiện xây dựng chuyên đề “Quản lý giá chuyển nhượng đối với lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản”; Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thực hiện xây dựng Chuyên đề “Quản lý giá chuyển nhượng đối với lĩnh vực gia công dệt, may”; Cục Thuế Vĩnh Phúc thực hiện chuyên đề “Quản lý giá chuyển nhượng đối với lĩnh vực lắp ráp ôtô, xe máy”; Cục Thuế Đồng Nai thực hiện chuyên đề “Quản lý giá chuyển nhượng đối với lĩnh vực sản xuất sợi và dệt vải”; Cục Thuế Bình Dương thực hiện “Quản lý giá chuyển nhượng đối với lĩnh vực sản xuất cơ khí”...

Qua thanh tra bước đầu đã phát hiện những DN có dấu hiệu chuyển giá để đấu tranh đảm bảo xác định lại giá chuyển giao theo quy định của pháp luật. Trong một số trường hợp, ngành Thuế đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm xác định đúng giá trị giao dịch, chẳng hạn như phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, tài chính; phối hợp với cơ quan Thuế các nước để nắm bắt thông tin về giao dịch kinh tế của các DN.

Ngay từ năm 2010 ngành Thuế đã giao chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra DN về 63 cục Thuế, với số lượng các DN được thanh tra tăng 181% so với kế hoạch năm 2010. Kết quả, năm 2011, lực lượng thanh tra, kiểm tra toàn ngành Thuế đã thanh tra 856 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá, đạt 67% kế hoạch đề ra và xử lý giảm lỗ 4.400 tỷ đồng (tăng hơn 2,5 lần so với năm 2010), truy thu thuế và phạt 1.650 tỷ đồng (tăng 4 lần so với năm 2010). Năm 2012 đã thanh tra, kiểm tra đối với 2.027 DN (gấp 2,3 lần so với năm 2011), giảm lỗ 3.703,6 tỷ đồng (bằng 84% so với năm 2011).

Mặc dù bước đầu có kết quả khả quan về đấu tranh chống chuyển giá nhưng theo đánh giá của Vụ trưởng Nguyễn Quang Tiến, công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá là lĩnh vực khó, đòi hỏi cán bộ công chức Thuế vừa phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng, nhiều kinh nghiệm quản lý, vừa thành thạo tiếng Anh và tin học.

Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ cán bộ công chức của ngành Thuế làm công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá vẫn chưa đồng đều, làm việc dưới hình thức kiêm nhiệm nên chưa tập trung hết thời gian cho công tác chống chuyển giá. Đơn cử như nguồn nhân lực dành cho Tổ quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử còn hạn chế, chưa tập trung để triển khai các hoạt động.

Do vậy, trong Chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012-2015 của Bộ Tài chính sẽ tập trung xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá; hạn chế, ngăn ngừa, tình trạng các DN liên kết chống chuyển giá...

Trong đó, tập trung xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tỷ suất lợi nhuận của các DN độc lập theo từng ngành nghề kinh doanh có rủi ro cao trong quản lý giá chuyển nhượng và danh mục giá giao dịch trên thị trường của một số hàng hoá chủ yếu trên cơ sở tham khảo giá hàng hoá cùng loại tại các nước trong khu vực và trên thế giới làm cơ sở chung cho các cục thuế sử dụng, phân tích rủi ro trong quản lý giá chuyển nhượng; xử lý thông tin thu thập được phục vụ cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá và lưu trữ hồ sơ theo quy định....