Cần kiểm soát chất lượng sữa chặt chẽ hơn

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Các sản phẩm sữa do Công ty Fonterra - New Zealand và một số công ty khác sản xuất sử dụng nguyên liệu nghi nhiễm khuẩn đã được thu hồi. Đây là những sản phẩm đã có thương hiệu tại thị trường nước ta, nên giải pháp thu hồi các hộp sữa nhiễm khuẩn chưa thể giúp người tiêu dùng yên tâm. Điều cần làm là phải kiểm soát chặt chẽ hơn ngay từ khi nhập khẩu, để bảo đảm quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Cần kiểm soát chất lượng sữa chặt chẽ hơn
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Sau thông tin sản phẩm sữa do Công ty Fonterra - NewZealand sản xuất sử dụng nguyên liệu có nhiễm khuẩn được công bố, khảo sát tại các thành phố lớn cho thấy sức mua mặt hàng này giảm rõ rệt. Để lấy niềm tin với khách hàng, hầu hết các cửa hàng đều đã in danh sách số lô sữa bị thu hồi và dán ởã nơi dễ quan sát nhất trong quầy hàng để người mua có thông tin chính xác về sản phẩm nghi nhiễm khuẩn. Nhưng thực tế, khách hàng vẫn chưa thật yên tâm và có phần còn hoài nghi về chất lượng sản phẩm sữa. Người bán thì không khỏi lo lắng vì lợi nhuận từ kinh doanh mặt hàng này suy giảm. Vì vậy, cả người mua và người bán đều mong muốn chất lượng mặt hàng sữa được kiểm soát chặt chẽ hơn. 

Có thể thấy, hệ lụy từ vụ việc sữa nhiễm khuẩn ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của cả người tiêu dùng và người trực tiếp kinh doanh mặt hàng này. Điều đáng nói là vụ việc sữa nhiễm khuẩn chỉ bị phát hiện khi đích danh phía New Zealand phát ra cảnh báo. Do đó, người tiêu dùng không thể không đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của việc kiểm định chất lượng sản phẩm nhập khẩu của các hãng sữa. Vậy, liệu có hay không tình trạng các nhà kinh doanh sữa chạy theo lợi nhuận mà lơ là giám sát chất lượng?

Thực tế, hầu hết các loại sữa bột cho trẻ em, nguồn nguyên liệu của sản phẩm bổ sung dinh dưỡng đang bán trên thị trường nước ta là hàng nhập khẩu. Khi có thông tin sữa nhiễm khuẩn, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã triển khai kiếm tra chất lượng các lô hàng sữa nhập khẩu, nhưng cái khó là không thể kiểm tra toàn bộ. Còn đại diện Bộ Công thương cho biết, Cục Quản lý thị trường chưa có đơn vị trực tiếp kiểm tra, kiểm soát về việc nhập khẩu và phân phối sản phẩm này. Bởi thế, những vấn đề liên quan đến sản phẩm sữa nghi nhiễm khuẩn thì phải phối hợp chặt chẽ với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế để xác minh bao nhiêu lô hàng được nhập khẩu vào nước ta và phân phối trên thị trường như thế nào. Nếu như đơn vị nào nhập khẩu những lô sản phẩm như vậy thì sẽ cùng cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sau gần một tuần Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế phát cảnh báo sữa Karicare xuất xứ từ New Zealand có khả năng nhiễm vi khuẩn Clostridium, nước ta mới chỉ ghi nhận 2 loại sữa nhiễm khuẩn C.Botulinum. Với sản phẩm dinh dưỡng công thức Karicare, Việt Nam không cấp phép nhập khẩu. Một số ý kiến cho rằng, hiện nay, ngoài hàng hóa nhập khẩu chính thức được cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra giám sát về chất lượng, còn có lượng hàng hóa xách tay và không loại trừ số lượng hàng hóa khác thẩm lậu. Hai luồng hàng này không được kiểm tra chất lượng, đây là vấn đề các cơ quan chức năng cần có giải pháp xử lý quyết liệt. Còn người dân khi mua hàng hóa phải lấy hóa đơn chứng từ để khi có vấn đề phát sinh về chất lượng hay hàng giả có cơ sở để xử lý.