Cân nhắc việc xây dựng dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia

PV.

Ngày 9/5, Hiệp hội Rượu – Bia – Nước giải khát đã tổ chức Tọa đàm về đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia tại Hà Nội. Tại đây, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về sự cần thiết xây dựng dự án Luật này, cũng như sự tác động của Luật đến đời sống xã hội nếu được ban hành.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm về đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 9/5.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm về đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 9/5.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay có đến 85 văn bản, từ luật đến các thông tư hướng dẫn có các quy định liên quan đến quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, bia… Bao gồm: 10 Luật (Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm...), 1 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 28 Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ; 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 38 Quyết định, Chỉ thị, Thông tư. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn (Quyết định 244/QĐ-TTg ngày 14/2/2014).

Như vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia là một trong những lĩnh vực có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Trong thực tế, các văn bản quy phạm pháp luật trên đã trực tiếp hoặc gián tiếp quy định các nội dung liên quan đến phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn như hạn chế quảng cáo rượu, hạn chế tiếp cận rượu, bia…

Do vậy, nhiều ý kiến chia sẻ tại buổi Tọa đàm cho rằng: Chưa nên đặt vấn đề xây dựng một văn bản tầm luật, nên tập trung thực hiện có hiệu quả các văn bản nêu trên; đồng thời với đó là có sự đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện.

Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao có nhiều văn bản quy phạm pháp luật như vậy mà chưa quản lý tốt việc sản xuất, kinh doanh rượu, bia như ý kiến của cơ quan đề xuất. Phải chăng các quy định pháp luật đó chưa đi vào được thực tế cuộc sống?

Băn khoăn về vấn đề trên, một số đại biểu đại diện doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu cho rằng: Các đề xuất trong bản dự thảo Luật không tập trung vào các yếu tố dẫn đến việc lạm dụng đồ uống có cồn, mà chỉ tập trung các chính sách nhằm hạn chế nguồn cung và hạn chế nhu cầu sử dụng rượu bia.

Như vậy, Luật sẽ không có tác dụng điều chỉnh hành vi uống có trách nhiệm mà dẫn đến một số tác động đối với người lao động và gia tăng tình trạng buôn lậu, hàng nhái, hàng giả.

Điển hình là khi giảm nguồn cung và hạn chế nhu cầu sử dụng sẽ dẫn đến dôi dư một số lao động đang làm việc trong ngành sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách phù hợp và phải chi một nguồn kinh phí lớn từ ngân sách Nhà nước (NSNN) để giải quyết chế độ đối với số lao động này.

Còn nếu hạn chế nguồn cung sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng vấn nạn nhập lậu, hàng nhái, hàng giả và Nhà nước sẽ phải chi ra một nguồn ngân sách không hề nhỏ đề phòng chống vấn nạn này. Một báo cáo nghiên cứu độc lập của Euromonitor cho thấy, ước lượng có ít nhất 28% thức uống có cồn (dựa trên sản lượng) ở Việt Nam được sản xuất trái phép - không đóng thuế và không được kiểm soát chặt chẽ. Euromonitor tin rằng, 97% sản lượng và giá trị là rượu gạo và rượu buôn lậu. Thất thoát về thuế do rượu lậu được ước tính khoảng 441 triệu USD mỗi năm.

Nguy hiểm hơn, nếu sản xuất trong nước không đáp ứng nhu cầu và vấn nạn nhập lậu, hàng nhái, hàng giả gia tăng sẽ dẫn đến sản xuất trong nước bị đình trệ, ảnh hưởng tới nguồn thu NSNN. Theo Tổng cục Thuế, tổng thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp trong toàn ngành năm 2016 đạt trên 48.000 tỷ đồng.

Theo đại biểu Trần Quang Chiểu, ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, nếu Luật được ban hành thì một số hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được xã hội hóa sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến những tác động tiêu cực đối với phát triển du lịch, kinh tế và xã hội của đất nước. Nếu có cấm thì chỉ cấm tài trợ bằng hiện vật rượu bia.

“Theo điều 8 của dự thảo Luật, các hoạt động quảng cáo, tài trợ của doanh nghiệp rượu, bia sẽ bị quản lý rất chặt chẽ. Chẳng hạn, không được thực hiện các hoạt động tài trợ cho các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí”, PGS, TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam thông tin.

 “Nếu sử dụng rượu, bia phù hợp với khuyến cáo của bác sĩ thì bản thân rượu, bia không có hại cho sức khỏe mà ngược lại. Chỉ có lạm dụng rượu, bia mới gây ra tác hại đối với sức khỏe”, nhấn mạnh điều này TS. Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam đề xuất: Chỉ nên kiểm soát rượu bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn, không nên tăng thuế mãi vì tăng thuế sẽ làm cho rượu, bia lậu xâm nhập vào Việt Nam.

Ông Matt - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam nêu quan điểm, thay vì siết chặt việc cấm quảng cáo bia rượu chung chung như dự thảo Luật quy định, thì nhà quản lý nên tập trung cấm những quảng cáo tạo nên sự lạm dụng như: Quảng cáo hướng đến đối tượng vị thành niên, cố ý dẫn dắt sai hướng hoặc không đúng sự thật, khuyến khích việc uống quá mức kiểm soát, gán ghép việc uống rượu bia với những hành vi bạo lực...

Nhìn chung, các ý kiến đề xuất và thảo luận tại buổi Tọa đàm đều thống nhất: Việc xây dựng luật hiện nay cần tập trung vào các vấn đề quản lý rượu dân tự nấu, rượu thuốc đang bán tràn lan trên thị trường, đồng thời cần thực hiện tốt các quy định: Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất kinh doanh rượu; Quyết định 244/QĐ-TTg; Luật An toàn Thực phẩm; Luật Quảng cáo; Luật Đường bộ; Luật An toàn thực phẩm; Luật Môi trường; Luật Đầu tư...