Cần những giải pháp cấp bách

Theo Trương Ngọc/daibieunhandan.vn

An toàn thực phẩm (ATTP) luôn là vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm. Dù thời gian qua các cơ quan quản lý, đơn vị liên quan đã nỗ lực cải thiện ATTP, nhưng kết quả thu được vẫn còn hạn chế, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 lụy khó lường

Bộ Y tế cho biết, năm 2017, cả nước xảy ra 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc, 3.705 người nhập viện, 24 trường hợp tử vong; giảm cả số vụ, số người mắc, số người đi viện. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 5 tháng đầu năm 2018 đã có hơn 10 vụ ngộ độc thực phẩm, chủ yếu do ngộ độc rượu, còn lại do độc tố tự nhiên.

Tình hình ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, nhất là tại bếp ăn trường học, ngộ độc thực phẩm ở đám cưới, do độc tố tự nhiên, nhất là ngộ độc methanol trong rượu. Ngộ độc tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học vẫn có xu hướng tăng và khó kiểm soát.

Các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến, trong khi đó chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nước ta đang chuyển mạnh sang kinh tế cơ chế thị trường.

Thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước và nước ngoài nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều chủng loại. Việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật bao gồm thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hóa chất kích thích tăng trưởng và thuốc bảo quản không theo quy định đã gây ô nhiễm nguồn nước, tồn dư hóa chất trong thực phẩm.

Chưa kể, việc sử dụng chất phụ gia trong sản xuất ngày càng phổ biến. Các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả, ô mai… Nhiều loại thịt bán trên thị trường không qua kiểm duyệt thú y.

Tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không bảo đảm chất lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu, quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý. Nhãn hàng và quảng cáo không đúng sự thật vẫn xảy ra. Đồng thời, việc bảo quản lương thực, thực phẩm không đúng quy cách đã tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển đã dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm.

Theo các chuyên gia y tế, về lâu dài, thực phẩm không chỉ tác động thường xuyên đến sức khỏe mỗi người mà còn ảnh hưởng đến nòi giống của dân tộc. Sử dụng các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh trước mắt có thể bị ngộ độc cấp tính nhưng vấn đề nguy hiểm hơn nữa là sự tích lũy dần các chất độc hại trong cơ thể, sau một thời gian mới phát bệnh hoặc có thể gây dị tật, dị dạng cho thế hệ sau.

Tăng cường quản lý, giám sát

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, ngành y tế đã đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác truyền thông với việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; chú trọng bảo đảm toàn thực phẩm trong các dịp lễ, sự kiện lớn; việc tiếp nhận và xử lý thông tin, sự cố về ATTP được duy trì và tiến hành khoa học.

Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường bảo đảm ATTP mùa hè, mùa bão lũ. Ngành y tế cũng đã triển khai các hoạt động nâng cao năng lực kiểm nghiệm ATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm về bảo đảm ATTP.

Năm 2018, Bộ Y tế sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để giảm 5% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên được ghi nhận so với trung bình giai đoạn 2011 - 2015; tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 7,5 người/100.000 dân. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ hoàn thành đúng tiến độ việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch, đặc biệt là quy chuẩn kỹ thuật về ATTP.

Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ mở rộng triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm; tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm từ Trung ương đến địa phương theo định kỳ hoặc đột xuất bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả.

Mặt khác, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo đảm ATTP cho các nhóm đối tượng; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ địa phương về chuyên môn nghiệp vụ quản lý và kiểm soát ATTP để nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, tạo dựng niềm tin, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng. Mỗi sản phẩm an toàn cần phải đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn ở tất cả các khâu, các công đoạn của chuỗi giá trị sản phẩm.