Cảnh báo lừa đảo qua Facebook

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (PC50) cảnh báo, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số hacker chuyên đi cướp “nick” Facebook bằng cách tung ra những đường “link”, thực chất có chứa mã độc.

Cảnh báo lừa đảo qua Facebook
Nhiều đối tượng thực hiện lừa đảo qua Facebook. Nguồn: internet

Lên mạng tìm kiếm người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài, sau đó cướp “nick” của họ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người thân trong danh sách bạn bè họ bằng cách nhờ mua thẻ cào điện thoại với số lượng lớn là thủ đoạn phạm tội đang được các đối tượng “truyền nghề” cho nhau trên mạng xã hội. Sau khi chiếm quyền kiểm soát “nick”, các đối tượng này sẽ nghiên cứu lịch sử trò chuyện của họ để tìm ra những người thân nhất rồi dùng những lời lẽ tương tự như vậy để nói chuyện với bị hại, tạo niềm tin rồi thực hiện việc lừa đảo nạp thẻ cào điện thoại.

Một vụ việc điển hình là đối tượng Lê Việt Anh (19 tuổi, ở thị xã Quảng Trị) bị tình nghi trộm tài khoản Facebook của nữ Việt kiều sinh sống ở Hong Kong, lừa đảo chiếm đoạt hàng chục triệu đồng của những người thân quen bằng hình thức nhờ mua thẻ cào điện thoại. Chọn chị Nguyễn Thị Thoa làm đối tượng để tiến hành lừa đảo, Việt Anh được cho là đã nghiên cứu thông tin trên trang cá nhân của người này và biết được một bạn gái thân của nữ Việt kiều. Việt Anh lập một tài khoản, dùng hình ảnh của người bạn này làm ảnh đại diện, kết bạn với chị Thoa. Không nghi ngờ gì, chị này chấp nhận kết bạn.

Biết chị Thoa đã “cắn câu”, với “nick” giả mạo này, Việt Anh vờ hỏi nữ Việt kiều cho mượn tài khoản Facebook để đăng ký email, mở thẻ tín dụng. Với những thông tin này, thanh niên 19 tuổi đã thay đổi mật khẩu, xóa số điện thoại, địa chỉ email của chị Thoa đăng ký trên trang cá nhân. Kiểm soát được Facebook của nữ Việt kiều, Việt Anh biết chị này có một người họ hàng tên Quyên đang sinh sống tại Hà Nội. Thanh niên quê Quảng Trị này đã dùng trang cá nhân giả mạo nhắn tin cho chị Quyên nói có nhu cầu sử dụng thẻ cào điện thoại ở Việt Nam để chuyển đổi sang mã quốc tế và giao dịch mua bán hàng trên mạng. Việt Anh lừa việc buôn thẻ cào có thể lãi gấp đôi giá trị trong nước và đề nghị Quyên hợp tác làm ăn.

Để “con mồi” cắn câu, Việt Anh bảo chị này cung cấp tên, số điện thoại di động, số tài khoản ngân hàng tại Việt Nam để chuyển tiền nhờ mua thẻ cào. Cậu ta dùng phần mềm nhắn tin miễn phí trên mạng Internet, nhắn vào điện thoại của chị Quyên với nội dung ngân hàng đã chuyển 40 triệu đồng vào tài khoản. Để không bị phát hiện, thanh niên này nhắn với chị Quyên rằng việc chuyển tiền thực hiện ở nước ngoài nên 2-3 ngày sau mới về đến Việt Nam.

Nhìn thấy tin nhắn có đầu số quốc tế, chị Quyên không chút nghi ngờ đã đi mua 40 triệu đồng thẻ cào điện thoại các loại, cào chuyển mã cho Việt Anh qua tin nhắn Facebook. Mấy ngày sau kiểm tra tài khoản không thấy có tiền, chị Quyên ra ngân hàng hỏi thì được biết không có ai chuyển tiền cho chị từ nước ngoài. Chị Quyên biết mình bị lừa mới trình báo cơ quan công an.

Theo Trung tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng PC50 (Công an Hà Nội), thủ đoạn cướp “nick” Facebook, giả mạo người thân nhờ mua thẻ cào điện thoại chiếm đoạt tài sản như vụ việc nêu trên, tuy không mới nhưng vẫn có khá nhiều người mắc bẫy. Chỉ tính riêng trong 2 tháng 5 và 6/2014, PC50 đã tiếp nhận 10 đơn trình báo của người dân tại Hà Nội, với số tiền bị chiếm đoạt lên tới trên 300 triệu đồng.

Như một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị B. ở Đan Phượng, Hà Nội có người cậu ruột đang sinh sống tại Đức. Qua Facebook, chị B. kết bạn với một người bạn của cậu là chị Phượng đang sống tại Nga. Ngày 27/5, chị B. nhận được tin nhắn của người cậu nhờ mua hộ chị Phượng 5 triệu đồng thẻ cào điện thoại Viettel. Đồng thời, chị B. cũng nhận được tin nhắn trên Facebook của chị Phượng cho biết nhiều người Việt ở Nga có nhu cầu mua thẻ điện thoại Việt Nam chuyển sang mã thẻ quốc tế để sử dụng mua sắm hàng hóa tại siêu thị cho tiện lợi, vì thủ tục mở tài khoản tại ngân hàng ở nước ngoài rất khó khăn.

Sau khi chị B. chuyển mã thẻ cào đủ số tiền 5 triệu đồng, trong ngày 27/5, “nick” Facebook mang tên chị Phượng tiếp tục nhờ vả mua thẻ cào điện thoại nhiều lần nữa, với tổng số tiền đến cuối ngày là 50 triệu đồng. Phượng nhắn tin cho chị B. nói đã chuyển 70 triệu đồng vào tài khoản của chị B. để trả 50 triệu đồng tiền mua thẻ, còn 20 triệu đồng là tiền hoa hồng từ việc kinh doanh thẻ chị B. được hưởng. Tuy nhiên, do tiền chuyển qua hệ thống ngân hàng quốc tế nên khoảng 3 ngày sau tiền mới về được Việt Nam.

Ngay hôm sau, 28/5, Phượng lại nhắn tin trên Facebook nhờ chị B. mua tiếp 50 triệu đồng thẻ cào của cả 3 nhà mạng Viettel, MobiFone và Vinaphone. Chị B. nhắn tin qua Facebook của người cậu ruột hỏi ý kiến thì được người cậu xác nhận việc kinh doanh thẻ cào của Phượng là thật. Không những thế, “nick” mang tên người cậu ruột còn nhắn: “Cứ gửi cho nó đi, cậu chịu trách nhiệm” khiến chị B. hoàn toàn tin tưởng. Trong ngày 28/5, chị B. bỏ ra 150 triệu đồng để mua thẻ cào, chuyển mã thẻ cho “Phượng” qua tin nhắn Facebook. Sau khi đã nhận đủ, “Phượng” còn dặn chị B. đốt hết số thẻ đã cào để tránh lộ mã thẻ.

Ba ngày sau, chị B. không nhận được tiền của Phượng gửi qua ngân hàng. Liên lạc với Phượng qua Facebook không được, chị B. gọi điện thoại trực tiếp cho cậu ruột mới biết mình đã bị lừa. Kẻ xấu đã giả mạo Facebook của người cậu ruột, cướp “nick” của chị Phượng để thực hiện màn kịch lừa đảo đối với chị B.

Theo PC50, hầu hết những người bị hại đến trình báo Cơ quan Công an đều cho biết nhầm tưởng đó là người thân của mình nên không chút nghi ngờ, không gọi điện xác minh. Nếu như trước đây, các đối tượng hay nhắn tin nhờ nạp thẻ điện thoại gấp thì nay, chúng chuyển sang “kịch bản” kinh doanh thẻ cào điện thoại có lợi nhuận cao để dụ người thân trong danh sách bạn bè hợp tác làm ăn. Với kịch bản mới này, chúng dễ dàng chiếm đoạt tiền với số lượng lớn.

PC50 cảnh báo, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số hacker chuyên đi cướp “nick” Facebook bằng cách tung ra những đường “link”, thực chất có chứa mã độc. Khi người dùng Facebook nhấp chuột vào những đường “link” này liền bị báo lỗi truy cập và đề nghị nhập lại tài khoản Facebook, hoặc phải cài thêm một “plugin” mới xem được. Sau khi cài đặt thành công, máy tính của người dùng sẽ bị nhiễm virus và sau đó tài khoản Facebook của người dùng bị chiếm quyền.