Chính doanh nghiệp tiếp tay cho tham nhũng

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, thói quen “sống chung với tham nhũng” đã ăn sâu vào tư duy của người quản lý doanh nghiệp (DN) hiện nay.

Chính doanh nghiệp tiếp tay cho tham nhũng
Nhiều DN chủ động hối lộ để được việc. Nguồn: internet

Họ quan niệm rằng, cần giải quyết việc trước mắt của mình, còn chống tham nhũng là quá trình lâu dài và là việc của Nhà nước.

Dù DN thường xuyên than phiền về sự nhũng nhiễu của bộ máy công quyền, gây tốn kém về thời gian, chi phí, làm giảm sức cạnh tranh. Song cũng chính họ lại là người “tích cực” nuôi dưỡng tham nhũng nhất, khi luôn sẵn sàng “chi” để giải quyết việc của mình mà không tìm kiếm các giải pháp khác.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) nói vậy tại cuộc tọa đàm “Minh bạch, liêm chính trong kinh doanh” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức mới đây.

Theo kết quả khảo sát về tham nhũng của cơ quan ông Hùng, 51% DN cho biết, họ sẽ ngay lập tức dùng mối quan hệ tác động đến quan chức để giải quyết công việc, 59% thì chọn cách đưa luôn tiền cho các đối tượng có liên quan trực tiếp để tiến hành cho nhanh chóng. Chỉ 13% cho biết, họ sẽ phản ánh tới các cơ quan chức năng.

Và họ có lợi hơn khi làm việc đó. 32% DN được hỏi cho rằng, đó là cách nhanh chóng, hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề. 26% DN thậm chí còn cho rằng, chi phí như vậy thấp hơn so với lợi ích mà họ được hưởng sau khi việc được giải quyết. Chính vì vậy, trong số đông các DN sẵn sàng “chi để được việc”, có tới 70% DN nói họ chủ động, chỉ 30% DN cho biết, họ nhận được sự gợi ý hoặc cố ý gây khó khăn của cơ quan quản lý, buộc họ phải thực hiện hành vi đưa hối lộ.

Ông Hùng kết luật, thói quen “sống chung với tham nhũng” đã ăn sâu vào tư duy của người quản lý DN hiện nay. Họ quan niệm rằng, cần giải quyết việc trước mắt của mình, còn chống tham nhũng là quá trình lâu dài và là việc của Nhà nước.

“Đã đến lúc cần nâng cao nhận thức cho DN, để họ thấy rằng chống tham nhũng cần hạn chế bên cung trước”, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững (VCCI) khẳng định. Nhưng cũng theo vị này, đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang “nuôi dưỡng” tham nhũng nhiều nhất, việc nâng cao nhận thức không biết phải bắt đầu từ đâu.

LS. Danforth Newcomb (Đại sứ quán Hoa Kỳ) thông tin, đạo luật Các tập quán tham nhũng ở nước ngoài (FCPA) được Hoa Kỳ áp dụng từ năm 1977, đến nay đã có một số nước thực hiện theo như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Đức… Kết quả tích cực là số vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý tại các quốc gia này đã tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, DN tuân thủ chương trình này cũng nhận được rất nhiều lợi ích đáng kể như được bảo vệ uy tín, đảm bảo giá trị và lòng tin của nhà đầu tư, giảm tính bất trắc trong các giao dịch kinh doanh, đảm bảo tài sản của DN…

Điểm khác biệt của FCPA là, luật này điều chỉnh hành vi của người đưa hối lộ, đặt ra điều cấm cơ bản với bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào về hành vi đưa tiền, gợi ý hay hứa đưa tiền (hoặc bất cứ thứ gì có giá trị)... Khung hình phạt đối với các hành vi này cũng khá nghiêm khắc: Phạt hình sự lên tới 2 triệu USD đối với pháp nhân và 100.000 USD cho thể nhân, cùng với hình phạt tù không quá 5 năm cho mỗi lần vi phạm. Phạt dân sự cho pháp nhân và thể nhân lên tới 16.000 USD cho mỗi lần vi phạm.

LS. Newcomb khuyến cáo, để áp dụng mô hình này, quan trọng nhất là xây dựng được bộ quy tắc ứng xử với các chính sách và quy trình tuân thủ, có sự giám sát, đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm khắc… Bên cạnh đó, DN cũng cần được đào tạo và tư vấn liên tục để thích ứng với sự thay đổi. Thông tin tại tọa đàm, VCCI cam kết sẽ hỗ trợ DN để nâng cao nhận thức, hành vi ứng xử trong chống tham nhũng, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trước hành động này. Ông Vinh kết luận: Một DN chống tham nhũng thì lẻ loi, nhưng nếu nhiều DN cũng hợp sức lại chắc chắn sẽ có hiệu quả.