Chống hàng giả - doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ mình

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), nạn hàng giả, gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt vào thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái các doanh nghiệp cần chủ động tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái các doanh nghiệp cần chủ động tự bảo vệ quyền lợi của chính mình. Nguồn: internet
Để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái các doanh nghiệp cần chủ động tự bảo vệ quyền lợi của chính mình. Nguồn: internet

31 ngành hàng bị làm giả

Theo thống kê của Cục Quản lý Thị trường - Bộ Công thương, năm 2014 đã phát hiện, xử lý gần 17.400 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, giá trị 36 tỷ đồng. So với năm 2013, số vụ phát hiện, xử lý tăng gần 3.400 vụ, tương đương 24,2%; giá trị vi phạm tăng 3,9 tỷ đồng, tăng 12,1%. Song, theo nhiều chuyên gia, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và lực lượng chức năng rất khó kiểm soát nguồn cung hàng giả vào thị trường mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp để phòng, chống. Điều đáng nói là từ nay tới Tết Nguyên đán là khoảng thời gian hàng giả, hàng nhái tăng mạnh; dự báo số vụ vi phạm sẽ còn tăng từ 20 – 30% so với các tháng khác.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, hiện trên cả nước có đến 31 ngành hàng bị làm giả, làm nhái và mùa Tết Nguyên đán chính là dịp những sản phẩm này tràn ra thị trường. Hàng hóa là đối tượng bị làm giả ngày càng đa dạng, không chỉ với những sản phẩm xa xỉ như đồng hồ, nước hoa mà có dấu hiệu tăng mạnh ở hầu hết các mặt hàng đồ ăn, thức uống, thuốc chữa bệnh và hàng may mặc...

Chỉ mới đây, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội sau khi kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh tại chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm đã phát hiện và xử lý hơn 100.000m vải không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Những mặt hàng này có màu sắc, họa tiết đặc trưng của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ như Chanel, Gucci, CK... Hàng giả được cung ứng không hạn chế về số lượng, đi sâu vào nội địa và bày bán tại các trung tâm thương mại, chợ biên giới, thậm chí còn bán công khai tại các tuyến trung tâm trên địa bàn thành phố. Chưa kể, công cụ giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu của mình là tem chống hàng giả cũng đang bị làm giả. Trên thực tế, có tới 60% tem rượu ngoại là tem giả, tem quay vòng; các loại hoa quả có nguồn gốc xuất xứ từ Australia đã ngừng nhập khẩu nửa năm nay vẫn hiện diện công khai tại các sạp hàng, siêu thị. Tại nhiều chợ đầu mối, các cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm còn sử dụng con dấu giả để đóng dấu kiểm dịch thú y, khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi phân biệt.

Nguyên nhân khách quan của tình trạng này là do có tới 70% hàng giả từ nước ngoài tràn vào Việt Nam, thậm chí còn được nhập khẩu dưới dạng nguyên chiếc hay linh kiện khiến cho các cơ quan chức năng khó phát hiện và kiểm soát. Có những doanh nghiệp cung cấp tới 90% hàng giả nhập khẩu mà sản phẩm giống đến mức chỉ những doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa đó mới phân biệt được.

Cần sự chủ động từ doanh nghiệp

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân chủ quan khiến cho công tác chống hàng giả, hàng nhái còn gặp khó khăn là do doanh nghiệp chưa chủ động trong việc tự bảo vệ quyền của chính mình. Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Nam Định Đỗ Đức Dương nhận định, hàng giả tác động trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp sản xuất nhưng rất nhiều doanh nghiệp lại thờ ơ, né tránh việc bảo vệ quyền lợi của mình vì lo ngại việc tố cáo hàng giả, hàng nhái sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín và doanh thu của sản phẩm. Bởi lẽ, khi người tiêu dùng chưa đủ kinh nghiệm để phân biệt hàng thật, hàng giả trên thị trường thì thường có tâm lý né tránh, hạn chế mua hay ít sử dụng những mặt hàng dễ bị làm giả.

Mặt khác, số lượng doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qua Hệ thống bảo vệ thương hiệu Madrid còn rất hạn chế. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp Việt vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - ưu tiên hàng đầu trong công cuộc đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả. Không nhiều doanh nghiệp Việt nhận thức được, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý có lợi ích rất to lớn trong bảo vệ quyền lợi của chính mình và bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường.

Ông Đàm Thanh Thế - đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 389 cho rằng, chống hàng giả không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Mỗi sản phẩm làm ra khi đưa ra thị trường, doanh nghiệp phải nêu cao trách nhiệm giám sát, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có thương hiệu dễ bị làm giả.

Rõ ràng, nếu không kiểm soát được thì không những doanh nghiệp mất uy tín, thương hiệu mà quyền lợi của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng. Song, thực tế lại cho thấy, ngoài những doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia thiết lập một bộ phận chuyên trách theo dõi hàng giả, hàng nhái hoặc có sự phối hợp, ký kết hợp đồng về chống hàng giả với cơ quan chức năng thì đa phần các doanh nghiệp vẫn chưa thấy được trách nhiệm thiết thân của mình. Nhiều doanh nghiệp còn ngại cung cấp cách phân biệt hàng giả cho đơn vị quản lý do lo sợ bị các đối tượng làm giả biết và sản xuất một cách tinh vi hơn.

Vẫn biết, khoảng thời gian doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu để cho ra được một sản phẩm rất lâu và tốn kém, sản phẩm tung ra thị trường được một tuần, một tháng đã xuất hiện hàng nhái với giá rẻ chưa bằng một nửa sẽ ảnh hưởng tới uy tín và doanh thu của doanh nghiệp. Thế nhưng, nếu doanh nghiệp còn bị động trong việc tự bảo vệ quyền của mình cũng như thiếu sự phối hợp với các cơ quan chức năng thì công cuộc đấu tranh chống hàng giả sẽ rất khó thành công.