Chống hàng giả, hàng nhái: Cần “mạnh tay” dịp cuối năm

Theo baochinhphu.vn

Vấn nạn kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng nhái và hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn Thủ đô vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Trước thực tế này, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cần “mạnh tay” kiểm tra, xử lý nhằm ổn định thị trường trong dịp cuối năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhức nhối nạn hàng giả

Theo Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2016, riêng lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 145.000 vụ; phát hiện, xử lý gần 88.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 523 tỷ đồng. Cụ thể trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cơ quan chức năng đã  kiểm tra, xử lý 13.893 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 29,6 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm bị thu giữ gồm rượu ngoại, nước giải khát, bánh kẹo; dầu thực vật; rau củ nông sản; gia cầm; hải sản,...

Đối với Hà Nội, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn luôn phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Trong 9 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã kiểm tra hơn 37.200 vụ, xử lý hơn 17.200 vụ, tăng gần 2.800 vụ so với cùng kỳ năm 2015. Riêng trong tháng 10 vừa qua, lực lượng QLTT Hà Nội phối hợp lực lượng Công an Thành phố đã kiểm tra 735 vụ, xử lý 674 vụ vi phạm gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn Thành phố, xử phạt hơn 4 tỷ đồng.

Trong đó có một số vụ điển hình như: Vụ 200 can nước rửa bát nhập lậu phát hiện tại một điểm giao nhận hàng hóa ở ngõ 83, đường Ngọc Hồi (quận Hoàng Mai); vụ hàng nghìn chai mỹ phẩm mang thương hiệu nổi tiếng, ghi xuất xứ từ Italia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... nhưng thực chất là hàng nhập lậu từ Trung Quốc, phát hiện tại kho Cảng Hà Nội, trên đường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng)…

Ông Trần Việt Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, thời gian qua, với sự chủ động, tích cực triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp đấu tranh có hiệu quả về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm…, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố cơ bản đã được kiểm soát, ngăn chặn. Tuy nhiên, có thể thấy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn luôn nhức nhối và công tác chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái trên địa bàn Hà Nội chưa bao giờ hết “nóng”.

Lý do được đưa ra là do việc kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế, khó khăn khi liên hệ và phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội trong việc cung cấp thông tin. Ngoài ra, chi phí giám định cao, thời gian kéo dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động kiểm tra, xử lý, nhất là đối với mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng.

Tăng cường kiểm tra dịp cuối năm

Một thực tế không thể phủ nhận là dù cơ quan chức năng đã rất cố gắng nhưng hoạt động buôn lậu vẫn đang diễn ra phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô ngày càng lớn, diễn ra với không gian rộng, từ hải đảo đến đất liền, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn... Đặc biệt vào giai đoạn cuối năm,việc buôn lậu, sản xuất hàng nhái, hàng giả luôn gia tăng.

Trước tình hình đó, để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu từ nay dến dịp Tết Nguyên đán, ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục QLTT, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trong việc quy trách nhiệm người đứng đầu. Theo đó, Thủ trưởng các ngành thành viên, Chủ tịch UBND quận, xã, phường chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn quản lý xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại.

Các lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường giao thông, ga tàu, bến xe và kho hàng có dấu hiệu vận chuyển, tập kết hàng lậu; kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm tại các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hà Vĩ (Thường Tín), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng)…

Đặc biệt, tiếp tục chỉ đạo các đội quản lý thị trường trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mặt hàng bia, rượu, nước giải khát; pháo nổ; cỏ Mỹ; kiểm tra, kiểm soát xử lý tình trạng giết mổ gia súc gia cầm tại chợ dân sinh; kiểm tra an toàn thực phẩm đối với nước mắm công nghiệp; đồ chơi trẻ em kích động bạo lực; quần áo may sẵn, đồ gia dụng…