Chống thất thu ngân sách: Đã đến lúc cải cách căn bản phương pháp quản lý

Năm 2012, ngành Hải quan phấn đấu thu hồi nợ cũ, hạn chế phát sinh nợ thuế mới; phấn đấu số nợ thuế không vượt quá 5% tổng số thu. Tuy nhiên, trước thực tế nợ thuế xuất nhập khẩu (XNK) của doanh nghiệp (DN) hiện nay, đáng chú ý là DN FDI luôn có số nợ thuế cả chục tỷ đồng, ý kiến từ các đơn vị hải quan cho rằng, đã đến lúc cải cách căn bản phương pháp quản lý.

Chống thất thu ngân sách: Đã đến lúc cải cách căn bản phương pháp quản lý

Nguyên nhân nợ thuế?  

 Đầu tháng 4/2012, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố, báo động tình trạng nhiều DN FDI trốn các khoản nợ và bỏ về nước. Có DN FDI đã trốn thuế tới hàng chục tỷ đồng.

 Nguyên nhân dẫn đến việc DN làm thủ tục xuất nhập khẩu nói chung và DN FDI nói riêng, nợ thuế XNK gia tăng, theo ngành Hải quan là do, quy định của Luật thuế Xuất nhập khẩu và Luật Quản lý thuế, hàng hóa nhập khẩu để gia công được miễn thuế, hàng tạm nhập tái xuất và hàng hóa là nguyên liệu vật tư phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu có thể được kéo dài thời gian nộp thuế tới 275 ngày kể từ ngày mở tờ khai hải quan. Hàng hóa tạm nhập tái xuất có thể được kéo dài thời gian nộp thuế tới 15 ngày kể từ ngày hết hạn tạm nhập tái xuất.

 Trong thời gian được miễn thuế hoặc được  ân hạn thời gian nộp thuế, các DN FDI đã tranh thủ  nhập số lượng lớn hàng hóa, sau đó, tự ngừng hoạt động, chủ DN bỏ về nước. Hậu quả là cơ quan hải quan không thể thu hồi  được khoản nợ thuế bị treo lại của các  đối tượng này. Điều 15 Luật Thuế XK, Thuế NK và Điều 18 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2010 của Bộ Tài chính quy định về thời hạn nộp thuế, chính sách ân hạn thuế nhằm khuyến khích DN chấp hành tốt pháp luật, ưu đãi khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, một số trường hợp DN lợi dụng để chây ỳ dẫn đến tình trạng nợ thuế quá hạn, phải cưỡng chế, cơ quan hải quan khó có khả năng thu hồi nợ đọng, nhất là những khoản nợ của DN FDI bỏ trốn về nước.

 Trước thực trạng trên, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tại địa phương ra soát các trường hợp DN bỏ trốn, mất tích, không kinh doanh tại địa chỉ đăng ký trong khi vẫn còn nợ thuế; làm rõ số lượng, sắc thuế, tổng số thuế còn tồn đọng; nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc để xảy ra nợ thuế và phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thu hồi. 

 Về vấn  đề ngăn ngừa và kiểm soát nợ xấu từ khu vực DN FDI, ý kiến từ Cục Thuế xuất nhập khẩu, Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Quản lý rủi ro-Tổng cục Hải quan cùng thống nhất quan điểm, cần sớm sửa đổi quy định về miễn thuế, hoàn thuế tại Luật Quản lý thuế, Luật thuế XNK; rút ngắn thời gian được ân hạn thuế theo lĩnh vực sản xuất xuất khẩu và gia công (chu kỳ 275 ngày như hiện nay là quá dài)… Đặc biệt, với các DN FDI hoạt động tại Việt Nam, tại thời điểm nộp thuế, DN chấp hành tốt pháp luật và được hưởng ưu đãi chậm nộp thuế. Nhưng trong thời gian ân hạn thuế kéo dài 9 tháng, các DN này nhập khẩu thật nhiều hàng hóa, sau đó gần đến thời hạn phải nộp thuế, “tháo chạy” về nước. Nhà nước bị chiếm đoạt các khoản thuế nợ lớn, không có khả năng thu hồi, DN ngừng hoạt động, kéo theo hệ lụy hàng ngàn lao động bị mất việc.

 Nộp thuế trước thời điểm thông quan

 Nhiều cục hải quan địa phương đã đưa ra kiến nghị, cải cách tổng thể trong hoàn thiện chính sách quản lý thuế. Trước mắt nên sớm sửa Luật Quản lý thuế theo hướng, hàng hóa XNK phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Việc này không chỉ liên quan đến chuyện truy thu thuế của cơ quan chức năng, mà quan trọng hơn, còn là để “làm sạch” môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam, là việc làm vô cùng cần thiết.

 Về biện pháp ngăn chặn nợ thuế XNK, mới  đây, tại Dự thảo Luật Sửa đổi Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa XNK theo hướng quy định rõ người nộp thuế phải nộp thuế trước thời điểm thông quan hoặc giải phóng hàng. Trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng thì được thông quan hoặc giải phóng hàng trước khi nộp thuế nhưng sẽ tính lãi chậm nộp để hạn chế tình trạng lợi dụng ân hạn nộp thuế, chây ỳ nợ thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế...Chỉ cho phép ân hạn nộp thuế khi người nộp thuế có bảo lãnh; trong thời gian được bảo lãnh.

 Hiện nay, nhiều nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan…không có nợ thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, DN phải nộp thuế trước khi nhập hàng. Một số nước cho chậm nộp thuế với điều kiện có tài khoản do cơ quan hải quan quản lý để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Theo đó, dù chưa nộp thuế nhưng DN vẫn được thông quan, giải phóng hàng hóa và phải trả lãi chậm nộp 0,05%/ngày, trong thời gian bảo lãnh. Thực tế, DN chậm nộp thuế phải có nghĩa vụ với nhà nước. Khi ngân hàng bảo lãnh cho DN, có phí bảo lãnh, trong khi nhà nước chưa thu được gì. Điều này sẽ tránh hiện tượng được bảo lãnh rồi, DN chây ỳ nếu cơ quan thuế không áp lãi suất như thời gian qua.

PV (Đăng ngày 17/05/2012 )