Chủ động chia sẻ thông tin chống buôn lậu

Theo baohaiquan.vn

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp từ biên giới tới trong nội địa. Để kiểm soát được tình trạng này, cơ quan Hải quan sẽ chủ động chia sẻ thông tin, phối hợp xử lý các vụ việc vi phạm phát sinh.

 Hàng hóa vi phạm do Đội 1, Cục ĐTCBL phối hợp bắt giữ trong đầu tháng 7/2015. Ảnh Q.H.
Hàng hóa vi phạm do Đội 1, Cục ĐTCBL phối hợp bắt giữ trong đầu tháng 7/2015. Ảnh Q.H.

Buôn lậu phức tạp trên các tuyến

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, 6 tháng đầu năm 2015, ngành Hải quan phát hiện xử lý hơn 10.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 800 tỷ đồng.

Qua đó, có thể thấy tình hình tội phạm buôn lậu phức tạp trên các tuyến biên giới cửa khẩu đường biển, đường bộ, đường hàng không. Nổi lên là hoạt động của các nhóm tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu hàng cấm từ khu vực Nam Mỹ sang các nước châu Á.

Hàng cấm được các đối tượng để lẫn trong hàng hóa thông thường đi bằng đường biển hoặc đường hàng không. Điển hình là Tổng cục Hải quan đã chủ trì phá thành công vụ vận chuyển hơn 40kg cocain, trị giá trên 100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, qua công tác đấu tranh, lực lượng Hải quan cũng phát hiện tình trạng vận chuyển hàng cấm thông qua loại hình kinh doanh tạm nhập-tái xuất diễn ra trên một số tuyến, địa bàn. Đơn cử như mặt hàng lốp xe ô tô đã qua sử dụng tạm nhập vào Việt Nam nhưng không tái xuất, DN tự ý mở container để tiêu thụ hàng hóa trong nội địa.

Qua công tác thu thập, xử lý thông tin, lực lượng Hải quan đã chủ trì, bắt giữ gần 500 container hàng hóa vi phạm. Trong tháng 7-2015, lực lượng Hải quan đang hoàn thiện 3 hồ sơ để khởi tố hình sự, với khoảng 300 container hàng hóa vi phạm.

Bên cạnh tính chất phức tạp của tình hình buôn lậu trên các tuyến biên giới, ở trong nội địa, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương, trong thời gian qua, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để kiểm soát tình hình này, lực lượng Quản lý thị trường đã tập trung đánh mạnh vào đầu ra của sản phẩm. Tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như thực phẩm, xăng dầu, khoáng sản, đường, sữa, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, người nông dân và sức khỏe người tiêu dùng.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xử lý trên 55.000 vụ vi phạm, tăng 13%; thu nộp ngân sách Nhà nước tăng 15% so với cùng kỳ năm 2014. Tích cực tuyên truyền vận động được 236.155 hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh, tàng trữ, mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái. Qua kiểm tra 27.000 hộ kinh doanh ký cam kết, phát hiện xử lý 9.188 cơ sở kinh doanh vi phạm.

Phân rõ trách nhiệm của các lực lượng

Qua đấu tranh các vụ việc vi phạm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đưa ra những cảnh báo đối với lực lượng chống buôn lậu nói chung cần nêu cao tinh thần phối hợp. Về góc độ quản lý Nhà nước về hải quan, cơ quan Hải quan sẽ chủ động chia sẻ với các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý khi có vụ việc phát sinh.

Trước đây, các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường… phải mất rất nhiều thời gian, tốn nhiều công sức để xác minh, thu thập thông tin làm rõ hành vi vi phạm. Hiện nay chỉ cần các thông tin trên tờ khai hải quan sẽ là căn cứ pháp lý cần thiết làm sơ sở để các lực lượng đấu tranh, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Bên cạnh sự chủ động của cơ quan Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nêu rõ tình trạng quy hoạch các địa điểm kiểm tra hàng hóa ở một số địa phương vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tiến hành làm việc với các địa bàn biên giới trọng điểm để quy hoạch lại các địa điểm kiểm tra hàng hóa phù hợp với tình hình thực tế.

Theo đó, Hải quan các địa phương sẽ đóng vai trò làm chủ đầu tư, chủ động vận động xã hội hóa để đầu tư trang bị, tập trung kiểm soát ngay tại khu vực biên giới. Cùng với những quy định của Luật Hải quan 2014, cơ quan Hải quan phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy hoạch, trang bị máy soi ngay tại cầu cảng.

Nếu phát hiện hàng hóa “đội lốt” chất thải nguy hại NK vào Việt Nam, cơ quan Hải quan lập tức yêu cầu tái xuất theo quy định nhằm tránh tình trạng hàng hóa tồn đọng tại các khu vực cảng biển.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề nghị đẩy mạnh hơn nữa việc thành lập các tổ công tác đột xuất liên ngành, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.

Tận dụng triệt để những thông tin tổ giác tội phạm từ quần chúng qua đường dây nóng, từ đó phân định rõ trách nhiệm của từng lực lượng quản lý từ khu vực biên giới về tới nội địa. Nếu ở khu vực biên giới để xảy ra tình trạng buôn lậu thì lực lượng Hải quan chịu trách nhiệm.

Trong nội địa, nếu để bày bán công khai hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì lực lượng Công an, Quản lý thị trường chịu trách nhiệm. Văn phòng Thường trực sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, báo cáo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia để xử lý.