Chủ động ứng phó các vụ kiện thương mại

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mở rộng, các vụ kiện thương mại đang có chiều hướng gia tăng nhưng dường như các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn bị động trước các vụ kiện liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại.

 Chủ động ứng phó các vụ kiện thương mại
DN Việt Nam vẫn bị động trước các vụ kiện liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại. Nguồn: internet
Gia tăng các vụ kiện

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), tính đến đầu năm 2014, đã có 73 vụ kiện của nước ngoài đối với DN Việt Nam, trong đó có 43 vụ kiện chống phá giá. Đáng chú ý là giai đoạn 1994 – 2007 (13 năm) Việt Nam chỉ có 33 vụ nhưng giai đoạn 2008 – 2013 (5 năm) có đến 38 vụ. Các vụ kiện thường có xu hướng kiện kép, nhằm vào tốp mặt hàng chủ lực, thị trường xuất khẩu chủ lực. DN bị đơn thường là các DN vừa và nhỏ hoặc các doanh nghiệp FDI có sử dụng nhiều lao động.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại quốc tế - cho rằng, các vụ kiện này gây nhiều thiệt hại cho DN như chi phí theo đuổi vụ kiện cao làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa, qua đó kim ngạch xuất khẩu giảm, hệ lụy là nguy cơ mất thị trường.

Hệ thống cảnh báo sớm của Việt Nam có phạm vi cảnh báo thị trường được thực hiện tại 7 nền kinh tế lớn gồm Hoa Kỳ, EU, Canada, Braxin, Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản đối với 11 ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Các DN chỉ cần truy cập trang web: www.canhbaosom.vn (earlywarning.vn) là có thể tra cứu các dữ liệu cần thiết.

“Với năng lực xuất khẩu ngày càng tăng cùng với việc Việt Nam đang tham gia sâu vào tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu thông qua hàng loạt các FTA mới sẽ tạo cơ hội cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may, gạo, giày dép… mở rộng thị trường nhưng kèm theo đó là việc phải đối mặt với ngày càng nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại” - bà Loan chia sẻ.

Cần chủ động hơn

Theo các chuyên gia, bối cảnh kinh tế khó khăn, các nước tích cực sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất nội địa, là một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng hóa Việt Nam thường vướng vào các vụ kiện chống bán phá giá ở những ngành hàng có lượng và giá trị xuất khẩu gia tăng cao. Đặc điểm chung của các vụ kiện là nhắm vào mặt hàng và thị trường xuất khẩu chủ lực; phạm vi rộng và đa dạng sản phẩm thuộc đối tượng điều tra.

Trong khi đó, các DN Việt Nam thường bị động trước vụ kiện, không có đầy đủ thông tin, chưa nhận thức rõ ràng về nguy cơ nảy sinh các vụ kiện phòng vệ thương mại cũng như hậu quả tiêu cực, cùng với đó là tâm lý né tránh, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ vào công tác khiếu kiện.

Để khắc phục những hạn chế trên, theo bà Phạm Hương Giang - Phó Trưởng phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của DN nước ngoài (Cục Quản lý cạnh tranh), các DN Việt Nam cần tận dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại thông qua chủ động nâng cao nhận thức, hiểu biết về Luật Phòng vệ thương mại.

Cùng với đó, DN phải tham gia vào công tác kháng kiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và chủ động trao đổi cụ thể với các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, các tham tán thương mại tại các nước để có chiến lược kháng kiện thống nhất.

Hiện, Việt Nam cũng đã có hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá nhằm cảnh báo nguy cơ bị kiện tại những thị trường trọng điểm, đồng thời hỗ trợ thông tin điều tra cho các DN, cung cấp các dữ liệu xuất nhập khẩu, thông tin thị trường, quy định pháp lý của thị trường xuất khẩu cho các DN.

Chia sẻ kinh nghiệm của các công ty Hàn Quốc đối với các tranh chấp thương mại, Luật sư Kim Sungtae - Văn phòng luật sư ITC - cho hay, hệ thống cảnh báo và quản lý sớm là chiến lược mà các DN Hàn Quốc cũng áp dụng và đạt hiệu quả cao trong đối với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Trong đó, những vấn đề được chú trọng triển khai là hệ thống quản lý tranh chấp thương mại, tư vấn chính sách bán hàng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.