Chứng khoán: Sẽ quy trách nhiệm hình sự với pháp nhân?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Mới đây, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt 32 tháng tù đối với nguyên Tổng giám đốc CTCK Liên Việt Hoàng Xuân Quyến, vì những sai phạm trong quá trình điều hành.

Ngoài vụ án đáng chú ý này, giới đầu tư cũng đang nóng lòng chờ đợi hai vụ án khác đã được cơ quan điều tra khởi tố khá lâu đối với lãnh đạo CTCK SME và CTCK Tràng An…

Ở một khía cạnh có liên quan, thực tế xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán thời gian qua cho thấy, nếu chỉ truy trách nhiệm cá nhân, mà bỏ qua hoặc xử nhẹ trách nhiệm của pháp nhân, thì quyền và lợi ích chính đáng của các bị hại không được bảo vệ.

Như cách nói nôm na của giới đầu tư, khi DN trên TTCK có sai phạm, chẳng hạn như: thao túng giá chứng khoán; công bố thông tin sai lệch để trục lợi…, thì chỉ cần bắt lãnh đạo DN có hành vi vi phạm đi tù là “phủi” được trách nhiệm của DN, trong khi thực tế pháp nhân này có thể liên đới trách nhiệm trước những thiệt hại gây ra cho khách hàng, cổ đông.

Việc Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành chỉ truy cứu trách nhiệm đối với cá nhân người phạm tội, mà không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, theo đánh giá của Bộ Tư pháp khi tiến hành tổng kết thi hành BLHS, thể hiện sự thiếu công bằng, nhất là khi mô hình các DN hiện nay khác nhiều so với các mô hình DN trong cơ chế quản lý kinh tế cũ.

Trong nền kinh tế thị trường, giám đốc điều hành có thể chỉ là người làm thuê. Họ chỉ là người thực hiện một quyết định, chính sách của tập thể là HĐQT, hoặc của những ông chủ thực sự của công ty. Vì vậy, nếu vẫn chỉ buộc cá nhân là giám đốc (hoặc người đại diện DN) chịu trách nhiệm hình sự, là thiếu công bằng, vì họ làm theo quyết định của tập thể và vì lợi ích của tập thể, chứ không vì lợi ích của cá nhân họ.

Cũng theo Bộ Tư pháp, thực tiễn cho thấy không ít DN, vì chạy theo lợi ích cục bộ đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, có tính chất tội phạm, nhưng chỉ xử lý bằng các chế tài như: hành chính, kinh tế, dân sự, nên chưa đủ sức răn đe.

Từ lý lẽ trên, trong quá trình hoàn thiện phương án sửa đổi BLHS đang được triển khai, lần đầu tiên cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật là Bộ Tư pháp đề xuất quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số loại tội kinh tế có tính nguy hiểm cho xã hội, mang tính phổ biến, trong đó có 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán: tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; tội thao túng giá TTCK...

Theo đó, khi pháp nhân phạm vào ba tội trên, thì sẽ bị áp dụng một trong các chế tài hình sự: phạt tiền; tước giấy phép tạm thời hoặc vĩnh viễn. Mức phạt tiền cao nhất có thể lên tới 25 tỷ đồng...

Do vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân hiện quá mới tại Việt Nam, nên đang có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, tới đây, nếu quy định mới trên được Quốc hội thông qua, thì các pháp nhân trên TTCK như: CTCK, công ty quản lý quỹ, thậm chí cả DN niêm yết … có nguy cơ đối mặt với các chế tài hình sự, thay vì chỉ bị xử phạt hành chính như hiện tại.