Chuyển cơ quan công an 1.208 vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Trong 9 tháng năm 2014, cơ quan Thuế đã chuyển cơ quan Công an 1.208 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế như: Trốn thuế, nợ đọng thuế, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, vận chuyển hàng hoá không rõ nguồn gốc...

Chuyển cơ quan công an 1.208 vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thu hồi ngân sách Nhà nước 65 tỷ đồng

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, trong năm 2014, cơ quan Thuế đã tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan Công an trong việc điều tra, xử lý tội phạm trong lĩnh vực thuế. Kết quả, đến hết tháng 9-2014, cơ quan Công an đã xử lý hình sự 14 vụ; chuyển lại cơ quan Thuế xử lý hành chính 142 vụ.

Tổng số tiền cơ quan Thuế và cơ quan Công an đã xử lý thu hồi vào NSNN 65 tỷ đồng. Theo đó, trong 10 sắc thuế Nhà nước ban hành thì có 5 sắc thuế bị tội phạm lợi dụng nhiều nhất là thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế Thu nhập DN, thuế Thu nhập cá nhân, thuế Xuất nhập khẩu và thuế Nhà đất.

Đặc biệt, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền NSNN qua hoàn thuế GTGT đang có những diễn biến phức tạp nhất. Thủ đoạn gian lận cơ bản là lập nhiều DN, mở chi nhánh để xuất hóa đơn GTGT mua bán hàng hóa lòng vòng với nhau mà không có hàng hóa, thậm chí ghi giá trị bán thấp hơn giá đầu vào... để hợp thức hóa hồ sơ xin hoàn thuế nhằm chiếm đoạt tiền ngân sách.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng cho rằng vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quy chế phối hợp như: Chính sách pháp luật thường xuyên sửa đổi, bổ sung; hành vi trốn thuế, gian lận ngày càng tinh vi, phức tạp, đòi hỏi phải tập trung nhiều lực lượng, nhiều thời gian. Tội phạm về thuế hoạt động có tổ chức, liên quan đến nhiều địa phương nên đòi hỏi mất nhiều thời gian và kinh phí, trong khi đó sự phối hợp giữa các địa phương chưa chặt chẽ nên khó khăn trong việc điều tra, xử lý...

Đây cũng là nguyên nhân mà hiện còn  2.202 vụ việc tồn đọng chưa xử lý được; trong đó có hành vi trốn thuế, vi phạm pháp luật về thuế là 498 vụ; Có dấu hiệu trốn thuế là 45 vụ; Nợ đọng chây ỳ về thế là 618 vụ; Chiếm đoạt tiền hoàn thuế là 38 vụ; Mua bán sử dụng hoá đơn bất hợp pháp 476 vụ; Vận chuyển hàng hoá nhập lậu không rõ nguồn gốc là 58 vụ và  các hành vi khác (bỏ địa chỉ kinh doanh ) là 469 vụ.

Biện pháp mạnh

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, trong những tháng cuối năm 2014, Tổng cục Thuế triển khai các biện pháp mạnh như: Rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn; Kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, các nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN; Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm; Huy động lực lượng để thực hiện kiểm tra, thanh tra thuế và phối hợp với cơ quan Công an phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá...

Đồng thời, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan Thuế địa phương phối hợp với cơ quan Công an trong việc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Trong đó, nêu rõ nguyên tắc các trường hợp phát hiện hành vi vi phạm phải chuyển hồ sơ để kiến nghị khởi tố vụ án hình sự.

Với trường hợp trong quá trình thanh, kiểm tra thuế, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì trưởng đoàn kiểm tra, thanh tra thuế phải báo cáo lãnh đạo bộ phận thanh tra. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trưởng đoàn kiểm tra, lãnh đạo bộ phận thanh tra thuế phải trình thủ trưởng cơ quan Thuế ký văn bản chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra cùng cấp để điều tra, xử lý.

Đối với trường hợp khi đang xem xét vụ việc vi phạm để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu phát hiện thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì người phát hiện phải báo cáo ngay với người có thẩm quyền xử phạt để tạm dừng việc ra quyết định và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan Công an để kiến nghị khởi tố.