Cơ chế mới xử lý phá sản tổ chức tín dụng

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Ngày 19/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Phá sản (sửa đổi). Điểm mới cơ bản của Luật Phá sản 2014 là đã luật hóa các quy định về phá sản tổ chức tín dụng (TCTD), xây dựng cơ chế xử lý phá sản phù hợp với các tổ chức này.

Cơ chế mới xử lý phá sản tổ chức tín dụng
Luật Phá sản 2014 đã luật hóa các quy định về phá sản TCTD. Nguồn: internet

Thời điểm nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Khác với thủ tục phá sản doanh nghiệp thông thường, Luật Phá sản 2014 quy định rõ việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD chỉ thực hiện sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có một trong những văn bản sau đây và TCTD vẫn mất khả năng thanh toán: văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt, hoặc văn bản chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc văn bản không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán.

Quy định này bảo đảm việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản chỉ được thực hiện khi TCTD thực sự không còn khả năng phục hồi, tránh trường hợp TCTD bị nộp đơn yêu cầu phá sản khi chưa thực sự lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, từ đó gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng tới hoạt động hệ thống.

Luật Phá sản 2014 quy định rõ những người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản TCTD, bao gồm: (1) Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà TCTD không thực hiện nghĩa vụ thanh toán; (2) Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà TCTD không thực hiện nghĩa vụ thanh toán; (3) Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi TCTD mất khả năng thanh toán; Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi TCTD mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ TCTD quy định; (4) Thành viên hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Ngoài ra, Luật cũng quy định trường hợp TCTD không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, NHNN có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD đó.

Về hoàn trả khoản vay

Luật Phá sản 2014 quy định rõ: khoản cho vay đặc biệt được hoàn trả cho NHNN và TCTD khác trước khi thực hiện việc phân chia tài sản còn lại của TCTD phá sản theo quy định.

Do đặc thù của hoạt động ngân hàng, thứ tự phân chia tài sản trong phá sản TCTD cũng khác với doanh nghiệp thông thường. Để bảo đảm quyền lợi cho đối tượng gửi tiền tại TCTD và tổ chức bảo hiểm tiền gửi đã chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, Luật Phá sản 2014 quy định các khoản tiền gửi, khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại TCTD phá sản được ưu tiên chi trả trước các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ. Theo đó, thứ tự phân chia tài sản trong phá sản TCTD được thực hiện theo thứ tự như sau: (1) Chi phí phá sản; (2) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; (3) Khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại TCTD phá sản; (4) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán các khoản nợ nêu trên, các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Về quyết định tuyên bố TCTD phá sản

Khi mở thủ tục phá sản đối với TCTD, Luật Phá sản 2014 quy định Tòa án không áp dụng thủ tục Hội nghị chủ nợ và thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản lập xong danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ, bảng kê tài sản của TCTD, Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố TCTD phá sản. Quy định này nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết phá sản TCTD, bảo đảm quyền và lợi ích cho các chủ nợ của TCTD và phù hợp đặc thù của TCTD.

Luật Phá sản 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, được kỳ vọng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do phá sản gây ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ kinh tế trước những rủi ro trong kinh doanh.