Coca-Cola đã đóng nhiều loại thuế khác nhau

Theo nhipcaudautu.vn

Với lịch sử 127 năm, Coca-Cola cho biết họ luôn đặt mục tiêu kinh doanh dài hạn làm trọng tâm và luôn tuân thủ luật pháp tại hơn 200 thị trường trên toàn cầu. Phóng viên có buổi trao đổi với ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc Đối ngoại Công ty Coca-Cola Việt Nam, về những vấn đề liên quan.

Coca-Cola có sẵn sàng hợp tác với cơ quan thuế nếu được yêu cầu kiểm tra?

coca-cola-da-dong-nhieu-loai-thue-khac-nhau/chien-luoc-kinh-doanh/
Ông Nguyễn Khoa Mỹ,
Giám đốc Đối ngoại Công ty Coca-Cola Việt Nam
Chúng tôi luôn luôn hợp tác với các cơ quan Chính phủ về thông tin, tuân thủ đầy đủ các quy định của luật pháp và luôn tự đặt mình vào tư thế được giám sát.

Chúng tôi đánh giá cao những hướng dẫn và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và đây chính là minh chứng quan trọng và tích cực cho một môi trường đầu tư nơi mà doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, được giám sát, hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo vệ để có thể phát triển đúng hướng và hiệu quả nhất.

Đã đầu tư gần 20 năm tại Việt Nam, vì sao đến nay Coca-Cola vẫn kinh doanh chưa có lãi?

So với các thị trường khác, thị trường nước giải khát không cồn tại Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn phát triển ban đầu với mức tiêu thụ bình quân đầu người thấp. Hiện mức tiêu thụ sản phẩm nước giải khát không cồn bình quân đầu người ở Việt Nam là 128 sản phẩm so với 220 ở Philippines, một thị trường với dân số và thu nhập bình quân tương đương. Mặc dù có thị phần ưu thế trong ngành nước giải khát có gas nhưng Coca-Cola ở Việt Nam lại chiếm thị phần khá khiêm tốn trong nhóm các loại sản phẩm khác trong danh mục nước giải khát không cồn bao gồm trà pha sẵn, nước tăng lực, nước uống đóng chai, sữa, nước hoa quả và nước uống vận động.

Những thị trường mà Coca-Cola hiện diện, có những nơi sản sinh ra lợi nhuận trong vòng 3-4 năm, nhưng cũng có khi phải mất hàng chục năm, thậm chí 20-25 năm mới có lợi nhuận. Bằng chứng là một thị trường rất thành công của Coca-Cola trong thời điểm hiện tại đã trải qua 25 năm không có lợi nhuận mới tạo được vị trí vững mạnh như hiện nay.

Coca-Cola đã đóng những loại thuế nào tại Việt Nam?

Tuy chúng tôi chưa có lợi nhuận để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng vẫn hoàn thành các nghĩa vụ thuế khác như thuế nhập khẩu, thuế môi trường, thuế tài nguyên, thuế môn bài, thuế nhà thầu... Giá trị kinh doanh của chúng tôi gián tiếp tạo ra các thu nhập khác cho ngân sách từ thuế VAT, thu nhập cá nhân. Tính từ năm 2008 đến tháng 5.2013, chúng tôi đã đóng hơn 33 triệu USD các loại thuế nêu trên.

Dự kiến, khi nào Coca-Cola có thể bắt đầu kinh doanh có lãi tại Việt Nam?

Mục tiêu của chúng tôi cũng giống như các doanh nghiệp khác là tạo ra lợi nhuận. Có thể nói ở Việt Nam chúng tôi cũng đã thành công. Định nghĩa thành công bằng cách chúng tôi đã tạo ra sự gắn kết ở đây nhằm phát triển bền vững. Cách chúng tôi đầu tư ở đây là đầu tư về hạ tầng cơ sở, máy móc thiết bị, tạo công ăn việc làm, phát triển con người, đầu tư cộng đồng, xây dựng và tạo sự yêu thích đối với thương hiệu của mình. Công việc này đòi hỏi nhiều thời gian chứ không thể một vài năm là có thể thành công ngay được.

Có những ý kiến xuất phát từ tư duy kinh tế cho rằng thua lỗ là phải đóng cửa. Tôi nghĩ nhận định này đúng nhưng chưa đủ, bởi vì quyết định đóng cửa hay tiếp tục đầu tư nằm ở cách đánh giá của doanh nghiệp đó về cơ hội của thị trường, chiến lược và mục tiêu cho tương lai và khả năng tài chính để tiếp tục theo đuổi chiến lược đó. Tôi xin nhấn mạnh cách tư duy của chúng tôi đó là khi đưa ra quyết định đầu tư hôm nay, chúng tôi luôn nghĩ đến triển vọng, cơ hội trong tương lai.