Công tác quản lý trật tự xây dựng phải bám sát thực tiễn

Theo Trần Anh/baoxaydung.com.vn

(Tài chính) Sau thời gian ngắn triển khai, Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản (BĐS); khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD); quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở đã góp phần thiết thực trong việc xử lý các sai phạm về trật tự xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nghị định còn một số hạn chế, vướng mắc cần được bổ sung, thay thế.

 Nghị định 121/2013/NĐ-CP góp phần quan trọng trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Ảnh: TL
Nghị định 121/2013/NĐ-CP góp phần quan trọng trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Ảnh: TL

Cơ bản phù hợp thực tế

Nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong công tác quản lý trật tự xây dựng, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định số 23/2009/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh BĐS; khai thác, sản xuất, kinh doanh VLXD; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở. Để triển khai thực hiện, ngày 12/02/2014 Bộ Xây dựng đã cho ban hành Thông tư số 02/2014/TT-BXD quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121. Theo đó, Thông tư 02 sẽ hướng dẫn 11 vấn đề trong Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Thực tế cho thấy, đây là giải pháp phù hợp, bởi hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép tồn tại nhiều năm qua không xử lý được, mặc dù quy định của pháp luật đã rất đầy đủ. Do vậy, Nghị định 121/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 02/2014/TT-BXD có phân ra các loại sai phạm khác nhau để xử lý khác nhau, nhằm đảm bảo tính công bằng trong trật tự xây dựng.

Sự ra đời của Nghị định cũng là kế thừa các quy định trước đó và khẳng định các vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch đều phải phát hiện kịp thời, phạt tiền hoặc cưỡng chế phá dỡ, tuy nhiên, có bổ sung thêm: Đối với các công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được duyệt đã đưa vào sử dụng mới bị phát hiện, công trình đó không vi phạm chỉ giới xây dựng, có chủ quyền về đất xây dựng hợp pháp, không tranh chấp, không có khiếu kiện thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Như vậy, không phải tất cả công trình xậy dựng sai phép, không phép đều bị phạt tiền cho tồn tại. Đây là những quy định rất phù hợp với thực tế hiện nay.

Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện

Được coi là “bảo kiếm” trong công tác quản lý trật tự xây dựng nên sau quá trình triển khai thực hiện, Nghị định 121 đã có những đóng góp không nhỏ trong việc xử lý các công trình không phép, sai phép tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Vậy nhưng, Nghị định 121 vẫn cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính phù hợp trong quá trình thực hiện. Theo đó, Nghị định 121/2013/NĐ-CP sẽ bổ sung quy định tại khoản 9, khoản 10 của Điều 13 và bỏ một điều khoản tại Điều 70.

Cụ thể, tại khoản 9, Điều 13: Trừ những trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này, hành vi quy định tại khoản 3, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và bị cưỡng chế phá dỡ theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) đô thị. Tại khoản 10 cũng sẽ sửa đổi theo hướng quy định rõ hành vi vi phạm, mức tiền phạt và thẩm quyền xử phạt …

Cũng để đảm bảo Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 13 và Điều 70 của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ sớm được ban hành, ngày 6/3, Bộ Xây dựng đã có Quyết định 260/QĐ-BXD về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ Biên tập Nghị định thay thế Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

Để đảm bảo tính thống nhất khi ban hành Dự thảo, việc sửa đổi, bổ sung lần này đã được gửi lấy ý kiến từ các sở, ban, ngành và các địa phương. Chia sẻ về tính cần thiết phải ban hành nghị định thay thế, TS.Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết: Các quy định trong Nghị định 121 không phải để khuyến khích hành vi vi phạm trật tự xây dựng, cũng không phải là phạt cho “tồn tại”, mà quy định này nhằm khắc phục những tồn tại lâu nay không xử lý được, đồng thời, ngăn ngừa những hành vi vi phạm mới. Do vậy, các nội dung Nghị định thay thế phải đảm bảo đủ sức răn đe, bám sát thực tiễn để công tác quản lý TTXD được thực hiện tốt hơn.