Công ty Vĩnh Tường “lý sự cùn”, kéo dài thời gian thi hành án

Theo baophapluat.vn

(Tài chính) Trong khi Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện bản án thì Công ty Vĩnh Tương lại tìm mọi cách cản trở thi hành án. Cùng với việc tiếp tục gửi đơn “kêu oan” rằng không vay tiền mà chỉ nhận 10 triệu USD để kinh doanh trò đánh bạc, Công ty Vĩnh Tường còn cho rằng, thực tế tài sản phải thi hành án “khác” với mô tả trong bản án và không chịu bàn giao.

Khách sạn Wooshu Plaza. Nguồn: internet
Khách sạn Wooshu Plaza. Nguồn: internet

Lộ ý đồ kéo dài thời gian thi hành án

Ngày 28/4/2014, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai đã tổ chức họp để thông báo phương án thực hiện cưỡng chế thi hành án đối với Công ty Vĩnh Tường, buộc Công ty này phải giao tài sản là khách sạn Wooshu Plaza cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai đồng thời xem xét giải quyết các vấn đề có liên quan như giải quyết vấn đề người lao động khi chuyển giao tài sản. Dự kiến, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai sẽ sớm có quyết định cưỡng chế thi hành án.

Nhưng, Công ty Vĩnh Tường tiếp tục không hợp tác. Trước đó, vào ngày 21/4/2014, Công ty Vĩnh Tường có văn bản gửi Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai và cho rằng, thực tế tài sản là khách sạn Wooshu Plaza có nhiều tài sản không nêu trong phụ lục kèm theo bản án hoặc không đúng với nội dung của bản kê kèm theo bản án.

Cùng văn bản này, Công ty Vĩnh Tường gửi một “phụ lục” dài 36 trang giấy để so sánh sự khác biệt đó và cho rằng, những tài sản không nêu trong bản án có giá trị hàng trăm tỷ đồng nên Công ty Vĩnh Tường tiếp tục đòi Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai phải tiếp tục xác minh. Với việc làm này, Công ty Vĩnh Tường rõ ràng muốn kéo dài việc thi hành án.

Ý đồ “đánh đu” với pháp luật của Công ty Vĩnh Tường đã rất rõ ràng. Nhưng, Luật sư Trần Việt Hùng, VPLS Trí Việt cho rằng, đây là một ý đồ không có căn cứ. Vì, theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mà Công ty Vĩnh Tường ký với Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai để trừ nợ thì toàn bộ khách sạn Wooshu Plaza, bao gồm tất cả nội thất, ngoại thất gắn liền với tòa nhà này đều nằm trong danh sách tài sản chuyển nhượng. Hai bản án đã công nhận sự hợp pháp của bản hợp đồng này nên Công ty Vĩnh Tường bắt buộc phải chuyển giao toàn bộ hai thửa đất, tài sản gắn liền với đất.

Mới đây, trong cuộc kiểm tra tài sản của cơ quan thi hành án, Công ty Vĩnh Tường cho rằng, cầu thang bộ của khách sạn Wooshu Plaza và số hạng mục khác của công trình như dây cáp điện ngầm… không có tên trong bản kê kèm theo bản án nên không thuộc đối tượng phải chuyển giao. Kiểu lập luận này cho thấy, Công ty Vĩnh Tường cố bám vào bản kê kèm theo bản án để quyết tâm không thực hiện bản án.

Theo Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng thì cầu thang bộ hay dây cáp ngầm và các hạng mục khác gắn liền với công trình xây dựng (khách sạn Wooshu Plaza) dù không có tên trong bản kê song nó vốn dĩ là một phần tất yếu của tòa nhà, được thể hiện trong hồ sơ xây dựng và là tài sản gắn liền với đất đã được quy định trong hợp đồng. Do đó, dù không có tên trong bản kê thì vẫn phải chuyển giao vì đó là đối tượng mua bán, chuyển nhượng đã được pháp luật công nhận và buộc Công ty Vĩnh Tường phải bàn giao.

“Bị hại” đòi khởi tố bà Linda Tan Woo

Trong một diễn biến mới của vụ việc, cùng với việc muốn kéo dài thời gian thi hành án, bà Linda Tan Woo, Chủ tịch Công ty Vĩnh Tường tiếp tục có đơn gửi các cơ quan Trung ương, đề nghị xem xét lại vụ kiện. Vẫn với lập luận như trước, bà Linda Tan Woo cho rằng không nhờ bà Nguyễn Thị Bích Hạnh đứng ra vay tiền của Công ty Orient và phủ nhận nghĩa vụ trả 10 triệu USD cho Công ty Orient và cho rằng, Công ty Vĩnh Tường được sử dụng số tiền này vì đây là tiền để thực hiện dự án kinh doanh trò đánh bạc ở khách sạn Wooshu Plaza.

Bất bình với thái độ vô trách nhiệm của bà Linda Tan Woo, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, người đã từng là “ân nhân” đứng ra vay 10 triệu USD cho Công ty Vĩnh Tường đã làm đơn tố giác hành vi của bà Linda Tan Woo và đề nghị khởi tố bà Linda Tan Woo về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Theo đơn ngày 28/4/2014 của bà Nguyễn Thị Bích Hạnh gửi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, VKS tối cao thì bà Hạnh cho rằng, bà có đủ bằng chứng chứng minh bà Linda Tan Woo có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là số tiền 10 triệu USD mà chính bà Hạnh là người đứng ra vay giúp Công ty Vĩnh Tường.

Theo bà Hạnh, việc Công ty Vĩnh Tường vay tiền của Công ty Orient đã rất rõ ràng, được thể hiện bằng nhiều tài liệu như việc ủy quyền cho bà Hạnh vay tiền và quản lý, sử dụng tiền vay để trả nợ ngân hàng; quản lý, định đoạt đất và khách sạn Wooshu Plaza để đảm bảo trả nợ tiền vay và đã nhận đủ số tiền đã vay, trả hết số nợ khổng lồ đối với Ngân hàng Nam Á bằng tiền vay.

Tuy nhiên, bà Linda Tan Woo đã có hành vi gian dối nhằm chối bỏ trách nhiệm trả nợ số tiền đã vay. Cụ thể, trong thời điểm năm 2012, bà Linda Tan Woo đã trưng ra hợp đồng hợp tác kinh doanh trò chơi đánh bạc với Công ty Orient để cho rằng, số tiền 10 triệu USD mà Công ty Vĩnh Tường nhận không phải là tiền vay mà là tiền Công ty được đối tác đưa cho để thực hiện dự án trò chơi đánh bạc. Thực tế thì Công ty Vĩnh Tường không có dự án nào như vậy được cấp phép tại thời điểm nhận tiền và ngay cả thời điểm này.

Theo bà Hạnh, đây là chứng cứ quan trọng chứng tỏ bà Linda Tan Woo có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền đã vay. Hơn nữa, đại diện Công ty Orient cũng phủ nhận bản hợp đồng hợp tác kinh doanh sòng bạc bà Viện Khoa học hình sự cũng kết luận chữ ký của đại diện Công ty Orient trong hợp đồng này không phải là thật.

Một bằng chứng “nóng bỏng” mà bà Nguyễn Thị Bích Hạnh đưa ra để đề nghị cơ quan điều tra khởi tố đối với bà Linda Tan Woo là trong đơn gửi Chủ tịch nước và các cơ quan nhà nước ở trung ương và mới đây nhất là lời trình bày và đơn gửi một tờ báo điện tử, bà Linda Tan Woo tiếp tục sử dụng các tài liệu đã được chứng minh là “giả” trên để phủ nhận nghĩa vụ trả nợ. Do đó, theo bà Hạnh, hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bà Linda Tan Woo đã có quá nhiều bằng chứng rõ ràng.

Theo một luật sư quan tâm đến vụ án này, mặc tranh chấp hợp đồng giữa hai pháp nhân đã được tòa án giải quyết. Song, nếu xác định một cá nhân có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản vay của người khác, kể cả tài sản đó là do pháp nhân đứng tên vay thì vẫn có thể xem xét khởi tố cá nhân có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Cũng phải nói thêm, đây không phải lần đầu bà Linda Tan Woo dính đến nghi án “lạm dụng tín nhiệm” mà trước đó, bà chủ Công ty Vĩnh Tường đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra việc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 2 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan.