Cục Thuế Đà Nẵng đối phó với các chiêu thức trốn thuế

Theo Thời Báo Ngân hàng

Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó chủ tịch UBND quận Hải Châu cho rằng, tuy xác định được các lĩnh vực để xảy ra thất thu thuế, nhưng các ngành chức năng chưa tập trung phối hợp cùng một lúc làm đồng loạt trên toàn địa bàn hoặc chưa có biện pháp thanh tra có hiệu quả, nhất là trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp (DN); quản lý DN nước ngoài còn nhiều hạn chế…

Cục Thuế Đà Nẵng đối phó với các chiêu thức trốn thuế
Đà Nẵng hụt thu khoảng 25% thuế và phí nội địa trong năm 2012. Nguồn:Internet

Phát biểu tại hội nghị bàn công tác chống thất thu thuế năm 2013 do Cục Thuế Đà Nẵng tổ chức (10/5/2013), ông Võ Duy Khương - Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2012, Đà Nẵng hụt thu khoảng 25% thuế và phí nội địa. Nếu tính cả thuế xuất nhập khẩu thì tổng thu ngân sách hụt gần 30%, điều chưa bao giờ xảy ra.

Nếu năm 2013, Đà Nẵng tiếp tục thất thu như năm 2012 thì thành phố sẽ phải cắt giảm chi ngân sách đến 30%. Một địa phương như Đà Nẵng mà để thất thu ngân sách trong 2 năm liền thì đúng là một vấn đề lớn, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đến phát triển kinh tế và nhiều lĩnh vực khác...

Trong khi đó, theo ông Kiều Thế Phong - Phó Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng, ngành này đã phát hiện nhiều sai phạm và hành vi trốn thuế trong các lĩnh vực: xây dựng cơ bản; bất động sản; san lấp mặt bằng; DN nước ngoài chuyển giá; hoàn thuế giá trị gia tăng; kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, xăng dầu, vận tải...

Bằng các “chiêu thức” khá phổ biến như khai gian doanh số bán hàng; sử dụng hóa đơn “khống” (mua hóa đơn), nợ thuế lớn trong thời gian rất nhanh rồi nghỉ hoạt động, trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, chuyển sang thành lập DN mới hoặc lợi dụng tình hình khó khăn chung để chây ỳ, nợ thuế...

Cũng theo ông Phong, qua tổ chức 2.091 cuộc thanh, kiểm tra, ngành thuế Đà Nẵng truy thu và phạt hơn 95 tỷ đồng, thu hồi hoàn thuế và phạt 54,4 tỷ đồng; xử lý giảm lỗ 364,9 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng gần 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó qua rà soát cũng điều chỉnh 1.008 hồ sơ khai thuế và yêu cầu nộp tăng thêm tiền thuế 15,4 tỷ đồng; phát hiện 3 vụ mua, bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp chuyển cơ quan cảnh sát điều tra; đôn đốc thu hồi 383 tỷ đồng tiền nợ thuế năm 2011, 655 tỷ đồng nợ tồn đọng năm 2012...

Đơn cử một số vụ việc mà ngành thuế Đà Nẵng đã phát hiện và tiến hành các biện pháp xử lý như: trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (truy thu 3,7 tỷ đồng tiền thuế đối với Công ty cổ phần Xây dựng điện VNECO 7); bất động sản (truy thu thuế và phạt Công ty TNHH Khu du lịch biển VinaCapital và Công ty TNHH Khu du lịch biển Ngũ Hành Sơn gần 15 tỷ đồng); hoạt động san lấp mặt bằng trốn thuế tài nguyên (truy thu 2,2 tỷ đồng đối với Công ty Olimpia); hoạt động chuyển giá (giảm lỗ đối với Công ty TNHH ITG Phong Phú trên 330 tỷ đồng); hoàn thuế (truy thu khấu trừ hoàn thuế giá trị gia tăng của Công ty cổ phần Địa Cầu 330 triệu đồng)…

Tuy vậy, trong thời gian qua, công tác chống thất thu thuế vẫn còn hạn chế, tồn tại; Thực trạng trốn thuế hiện diễn ra khá phổ biến, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp nào thực sự hữu hiệu. Ví dụ, việc chuyển giá, DN làm từ hàng chục năm nay, nhưng ngành thuế vẫn không đủ nhân lực để làm triệt để mà chỉ làm được một số DN.

Hơn nữa, hiện nay theo quy định về thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước chỉ dựa trên cơ sở DN tự kê khai thuế, nộp thuế là chủ yếu, sau đó ngành thuế mới thực hiện chức năng hậu kiểm. Nhưng thực tế, ngành thuế không thể nào thực hiện hậu kiểm hết số DN trên địa bàn. Và đến khi phát hiện ra có sai phạm thì DN đã “cao chạy xa bay”… Thậm chí, có trường hợp đã phát hiện được sai phạm nhưng xử lý cũng chưa triệt để...

Việc phối hợp liên ngành giữa ngành thuế và các cơ quan liên quan vẫn còn bất cập, thiếu hiệu quả. Văn bản phối hợp ký kết giữa các cơ quan như hải quan, quản lý thị trường, công an... với ngành thuế thì nhiều, nhưng chỉ mang tính hình thức.

Bức xúc trước thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Lệ - Phó chủ tịch UBND quận Hải Châu cho rằng, tuy xác định được các lĩnh vực để xảy ra thất thu thuế, nhưng các ngành chức năng chưa tập trung phối hợp cùng một lúc làm đồng loạt trên toàn địa bàn hoặc chưa có biện pháp thanh tra có hiệu quả, nhất là trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn của DN; quản lý DN nước ngoài còn nhiều hạn chế…

Công tác thanh tra, phương thức và cách xử lý số DN chây ỳ, nợ đọng lớn chưa thực sự hiệu quả... khiến DN “nhờn thuốc” tranh thủ trốn thuế, lách thuế được chừng nào hay chừng đó. Việc này khá phổ biến, kể cả một số tập đoàn lớn mới đến làm ăn ở Đà Nẵng song vẫn vi phạm, thậm chí vi phạm từ việc hoàn thuế, cố tình đẩy giá đầu vào lớn để tính hoàn thuế, chuyển giá...

Dù biết, chống thất thu thuế là rất phức tạp và gian nan, nhiều giải pháp khắc phục cũng được ngành thuế và các cơ quan chức năng đặt ra. Song hiệu quả mang lại từ công tác chống thất thu thuế chưa cao và xem ra vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt. Vì vậy, đòi hỏi cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các ngành chức năng, đặc biệt ngành thuế cần thể hiện vai trò chủ đạo để giảm thiểu việc thất thu thuế trong thời gian tới...

Lâu nay chúng ta cứ làm theo cách cũ. Ngành thuế cứ ngồi chờ DN khai thuế, nộp thuế, sau đó hậu kiểm. Nhưng số lượng DN ngày càng nhiều, khả năng hậu kiểm của ngành thuế rất hạn chế. Mỗi năm giỏi lắm kiểm tra được vài trăm DN. Trong khi hiện Đà Nẵng có khoảng 13.000 DN, song số cán bộ, nhân viên ngành thuế khoảng 600 người thì làm sao có thể nói đến công tác hậu kiểm đạt kết quả, phát hiện kịp thời để xử lý số DN gian lận, chây ỳ nợ thuế…?

Ông Võ Duy Khương - Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng