Cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả ngày càng cam go

Theo Minh Lâm/thoibaonganhang.vn

Trong khi cơ quan chức năng chưa thể giải quyết triệt để nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, doanh nghiệp sốt ruột phải tự lên kế hoạch tuyên chiến với hàng giả để bảo vệ uy tín và thương hiệu sản phẩm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tự điều tra và bảo vệ mình

DN nhận thấy họ đã và đang “đơn thân, độc mã” tự điều tra và tìm cách chống hàng giả, hàng nhái sản phẩm của mình. Dù DN có kết hợp với lực lượng chức năng chống hàng giả song kết quả không như mong đợi, do có nhiều vướng mắc trong quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tế. Chính vì vậy, lợi dụng những kẽ hở này, các đối tượng làm hàng giả lách luật và hoạt động rầm rộ.

Ông Nguyễn Ngọc Tý, đại diện thương hiệu Nón Sơn cho biết, hàng giả, hàng nhái thương hiệu của công ty hoành hành khắp nơi. Các cơ sở khác làm mũ bảo hiểm nhái của Nón Sơn với chất lượng không đảm bảo nhưng vẫn bán ra với giá thành bằng với Nón Sơn chính hiệu. DN đã phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện ra nhiều cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái.

Tuy nhiên, việc xử lý của cơ quan chức năng kéo dài, thậm chí đến 2 năm chưa giải quyết xong khiến DN phải theo đuổi vụ việc mất rất nhiều thời gian, công sức. Thậm chí, mức xử phạt 8 triệu đồng đối với hành vi nhái nhãn hiệu cũng chưa đủ răn đe đối với các đối tượng đã vi phạm.

Cũng vậy, ông Trần Thanh Kha, Giám đốc cao cấp của Công ty TNHH NGK Spark Plugs VN (Tập đoàn NGK) chuyên sản xuất bugi xe gắn máy cho biết, vấn nạn hàng giả gây ra nhiều khó khăn không chỉ cho DN mà cho cả người tiêu dùng. Người tiêu dùng phải trả tiền nhiều hơn khi phải sử dụng sản phẩm giả kém chất lượng. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến cả phương tiện của người tiêu dùng, rồi kéo theo việc mất lòng tin vào sản phẩm chính hiệu, và người tiêu dùng không thể phân biệt được hàng thật và hàng giả.

Xử lý thiếu kiên quyết

Bức xúc về việc DN tự mình phát hiện và báo cơ quan chức năng nhưng kết quả xử lý không như ý, bà Nguyễn Thị Xuân Lan - Tổng Thư ký Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của các DN nước ngoài tại Việt Nam nhận định, lực lượng chức năng chống hàng giả còn làm nửa vời.

Bên cạnh đó, không ít DN than phiền, vẫn còn một số cán bộ quản lý thị trường (QLTT) nhũng nhiễu và làm khó DN. Mặt dù DN đã đăng ký tư cách pháp nhân và có đầy đủ giấy tờ đưa hàng hóa lưu hành trên toàn quốc, tuy nhiên, QLTT lại bắt bẻ các từ ngữ trong hồ sơ, giấy tờ thủ tục.

Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng đại diện Văn phòng của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, thương hiệu nào có tên tuổi thì rất hay có hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều này ảnh hưởng đến uy tín, giảm năng lực cạnh tranh của DN và khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm chính hiệu. Người ta có thể mua đôi giày Adidas giá 200.000 đồng hoặc chiếc điện thoại Vertu giá 760.000 đồng, thay vì hàng chính hiệu ở mức vài triệu đồng cho đôi giày và hơn 800 triệu đồng chiếc điện thoại.

“Lực lượng phòng, chống hàng giả khá nhiều, thế nhưng công tác chống hàng giả vẫn loay hoay, chưa thể giải quyết dứt điểm. Đã có Luật SHTT, cùng các văn bản pháp lý liên quan khác thì cơ quan thực thi cần phải xử lý cho thật nghiêm. Bên cạnh đó, DN trước khi muốn xử lý phải nhận diện được tài sản SHTT của mình để được bảo vệ”, ông Khuê cho biết.

Khẳng định, hàng giả đang phát triển nhanh với xu hướng ngày càng tinh vi, tuy nhiên, ông Trương Văn Ba - Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng cho biết các cơ quan hữu trách đang sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất để có thể xử lý rốt ráo đối với vi phạm về hàng gian, hàng giả và quyền SHTT.