Đằng sau chuyện vượt rào sở hữu cổ phần ngân hàng

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực hơn 3 năm nhưng đến nay, nhiều quy định vẫn chưa được thực thi, kể cả việc khống chế tỷ lệ sở hữu của các cá nhân.

Đằng sau chuyện vượt rào sở hữu cổ phần ngân hàng
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại một hội thảo về sở hữu chéo diễn ra trong năm 2013, TS. Vũ Đình Ánh từng thẳng thắn cho rằng, để giảm thiểu những rủi ro từ sở hữu chéo, cơ quan quản lý chưa cần phải hành động nhiều mà việc đầu tiên phải siết lại kỷ luật, thực hiện đúng những quy định đã nêu trong Luật các Tổ chức tín dụng. Ông Ánh dẫn trường hợp của các cá nhân, những ông - bà chủ ngân hàng vẫn công khai tỷ lệ sở hữu trên 7-9% mà không bị xử phạt.

Báo cáo quản trị 6 tháng cuối năm 2013 vừa được nhiều ngân hàng công bố cũng cho thấy, vẫn còn nhiều cá nhân sở hữu cổ phần ngân hàng vượt quá quy định dù Luật các Tổ chức tín dụng 2010 đã có hiệu lực 3 năm. Theo quy định, cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của nhà băng. Ngoài ra, tổng số cổ phần của họ và người liên quan cũng không được vượt quá tỷ lệ 20%.

Trong khi đó, theo báo cáo quản trị 6 tháng cuối năm 2013 của Ngân hàng Bắc Á (BacABank) và Phương Nam (Southern Bank), 4 cổ đông lớn vẫn sở hữu nhiều hơn mức 5% này. Cụ thể, bà Thái Hương (Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BacABank) sở hữu gần 7% vốn. Không riêng bà chủ của TH True Milk, Chủ tịch BacABank Trần Thị Thoảng cũng đang giữ 5,2% cổ phần của ngân hàng.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra với số cổ phần của cha con đại gia Trầm Bê tại Ngân hàng Phương Nam. Số cổ phần của ông Trầm Bê cùng con trai cả Trầm Trọng Ngân và con gái Trầm Thuyết Kiều đã vượt 20% vốn điều lệ. Riêng ông Trầm Bê và con gái Trầm Thuyết Kiều mỗi người đang giữ 7-8% cổ phần của ngân hàng.

Việc sở hữu cổ phần "vượt trần" được chính các ngân hàng lý giải là yếu tố lịch sử để lại bởi tỷ lệ sở hữu của hầu hết các cá nhân đều bắt nguồn từ trước thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực (ngày 1/1/2011). Một chuyên gia pháp chế cho biết, về lý thuyết các cá nhân này không vi phạm. "Nếu việc sở hữu diễn ra sau ngày 1/1/2011 thì mới vi phạm", ông nói. Tuy nhiên, theo ông, họ đáng lẽ phải có trách nhiệm giảm tỷ lệ sở hữu ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành.

Trả lời phóng viên, đại diện BacABank cho biết, số cổ phần này của bà Thái Hương đã giữ từ ngày đầu thành lập ngân hàng (năm 1994) đến nay. Ngân hàng cũng cho biết, đã có lộ trình để Chủ tịch và Phó chủ tịch giảm tỷ lệ sở hữu xuống. "Đến năm 2015, BacABank sẽ hoàn chỉnh lộ trình điều chỉnh này sau khi tăng vốn", đại diện ngân hàng cho biết.

Về phần mình, một đại diện của Southern Bank cũng cho hay đã báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước về việc các cá nhân sở hữu trên 5% vốn điều lệ. "Chúng tôi cũng có lộ trình giảm dần nhưng các cổ đông vẫn chưa tìm được người để chuyển nhượng cổ phần", vị đại diện này nói.

Tuy nhiên, riêng trường hợp tổng số cổ phần của cả gia đình ông Trầm Bê vượt 20% vốn của nhà băng, nếu áp theo quy định tại Luật cũ cũng không hợp lệ.

Theo khoản 5, Điều 161 của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, Ngân hàng Nhà nước phải có hướng dẫn cụ thể thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp với các tổ chức tín dụng để thực hiện quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần này. Tuy nhiên, sau 3 năm, tỷ lệ sở hữu của các cá nhân vẫn "vượt trần" và Thông tư hướng dẫn vẫn nằm ở dạng "dự thảo".

Một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay cơ quan điều hành đã thấy rõ những trường hợp này nhưng vì nhiều lý do, chưa thể ban hành Thông tư hướng dẫn. "Có thể sắp tới sẽ ban hành và áp dụng sớm, trong đó quy định các cổ đông vượt tỷ lệ phải thoái vốn và sẽ không được mua thêm cổ phần", vị này nói.

Mặc dù vậy, đây vẫn là những trường hợp ít ỏi thẳng thắn công khai sở hữu cổ phần của các cổ đông lớn. Điều đáng lo ngại hơn cả là sự thiếu minh bạch trong công bố thông tin của các ngân hàng Việt Nam, dẫn tới tình trạng công bố không sở hữu cổ phiếu nhưng thực tế đang nắm giữ tỷ lệ rất lớn.

Các ngân hàng thương mại hiện hầu hết đều là những công ty đại chúng quy mô lớn. Và theo quy định, họ thuộc nhóm phải công bố báo cáo tài chính quý, bán niên, thường niên, các thông tin bất thường... trên website của mình và của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tuy nhiên, rất nhiều ngân hàng ngay đến báo cáo thường niên cũng đăng tậm tịt, năm có năm không. Báo cáo tài chính có nơi đăng tải để cho có, nhà đầu tư khi muốn tải về liên tục bị báo lỗi.

Theo quy định, trên website của Ủy ban chứng khoán Nhà nước và bản thân website của mỗi công ty đại chúng quy mô lớn đều phải đăng tải dữ liệu trong 10 năm để nhà đầu tư tham khảo. Thực tế là,  không thể tìm được thông tin nhiều ngân hàng. Cụ thể, trên Ủy ban chứng khoán Nhà nước không hề có bất cứ báo cáo tài chính hay báo cáo quản trị của Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank), Ngân hàng An Bình (ABBank). Một vài ngân hàng khác thì dữ liệu đã rất cũ từ năm 2009, 2010.

Trao đổi với phóng viên bên lề một hội thảo về giám sát tài chính cuối năm 2013, một đại diện của Ủy ban chứng khoán Nhà nước thừa nhận việc giám sát công bố thông tin của khối ngân hàng rất khó. Lý do được ông đưa ra, đây là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, các tổ chức tín dụng nên phần lớn vai trò thuộc về Ngân hàng Nhà nước.