Đằng sau việc Posco VST bảo vệ mình

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Posco VST đã bảo vệ được mình trước làn sóng hàng nhập khẩu bán phá giá bằng việc khởi kiện. Nhưng vụ việc này cho thấy điều gì?

Posco VST khởi kiện vì cho rằng hành vi bán phá giá tại thị trường Việt Nam của thép nhập khẩu có nguy cơ dẫn đến việc các nhà sản xuất trong nước phải ngừng hoạt động. Nguồn: dddn.com.vn
Posco VST khởi kiện vì cho rằng hành vi bán phá giá tại thị trường Việt Nam của thép nhập khẩu có nguy cơ dẫn đến việc các nhà sản xuất trong nước phải ngừng hoạt động. Nguồn: dddn.com.vn

Kết luận sơ bộ của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) được đưa ra ngày 2/12/2013 đã xác định có hiện tượng bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ gồm: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan.

Điều này đã gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước. Vụ việc khởi kiện bán phá giá này đã gây “sóng gió” trên thị trường trong suốt nửa năm qua.

Posco VST có “tình ngay lý gian”?

Hồ sơ của vụ khởi kiện nói trên được nộp tới Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) vào ngày 6/5/2013, tức là chỉ sau khoảng 4 năm khi nhà đầu tư Hàn Quốc này dừng chân tại Đồng Nai.

Theo lập luận của đại diện Posco VST, sở dĩ họ phải khởi kiện vì hành vi bán phá giá tại thị trường Việt Nam của thép nhập khẩu có nguy cơ dẫn đến việc các nhà sản xuất trong nước phải ngừng hoạt động. Được biết, từ năm 2009 tới nay, Posco VST đã lỗ một khoản lớn, lên tới 74 triệu USD, tức là gần bằng 1/2 tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực thép không gỉ cán nguội của mình tại Việt Nam.

Dĩ nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang thụ hưởng lợi ích rõ ràng từ việc có giá thấp hơn các mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu không hưởng ứng chuyện khởi kiện trên. Cho dù vậy, điều này cũng được Posco VST tính tới.

Một số doanh nghiệp Việt Nam phản đối việc khởi kiện của Posco VST với nghi ngờ rằng, Posco VST đã nhập hàng hóa thuộc đối tượng điều tra với số lượng lớn, nhưng lại khởi kiện điều tra chống bán phá giá để kinh doanh độc quyền tại thị trường Việt Nam, từ đó nhằm tăng giá thành sản phẩm. Công ty Posco VST thừa nhận có nhập hàng trong khoảng thời gian trước khi khởi kiện.

Thế nhưng, cũng theo vị đại diện nói trên, công ty chỉ nhập trong thời điểm nhất thời với số lượng nhỏ và sau khi khởi kiện đã dừng nhập khẩu nên vẫn đủ điều kiện để khởi kiện chống bán phá giá.

Posco VST cũng không tránh né việc chứng minh với Cục Quản lý Cạnh tranh về việc không chuyển giá khi trưng ra các hóa đơn, hợp đồng mua hàng từ những nhà cung cấp nguyên liệu cạnh tranh nhất về giá cả cũng như chất lượng.

“Công ty Posco mẹ đã hỗ trợ tối đa về giá cả và thời gian thanh toán, vì hiện tại Posco VST đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu bán phá giá. Nếu không có sự hỗ trợ tạo ra tính thanh khoản, Posco VST sẽ không thoát khỏi tình trạng phá sản. Nhưng sự hỗ trợ của công ty Posco mẹ cũng có giới hạn nên Posco VST đang tự giải quyết những thiệt hại của việc nhập khẩu bán phá giá, chứng minh sức tồn tại để tiếp tục nhận cung cấp nguyên liệu từ công ty mẹ và tiếp tục kinh doanh trên thị trường Việt Nam”, nhà sản xuất thép không gỉ này lý giải.

Góc nhìn về bảo hộ

Nếu nhìn ngược trở lại hơn nửa năm trước có thể thấy, những phác thảo cho một cuộc chiến giành thị trường đã hiện hữu. Thực chất, việc không thỏa hiệp với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình dù không phải là đang đầu tư tại quê nhà, cho thấy việc Posco VST tự tin khởi kiện là nhờ vào kinh nghiệm hoạt động lâu năm trên thị trường quốc tế.

Nhưng cũng có một thực tế không thể phủ nhận là đầu tư của Posco VST tại Việt Nam không hề ọp ẹp và mang tính ăn xổi, khi khoản đầu tư này quy mô lên tới hơn 180 triệu USD. Hiện Posco VST và Công ty Inox Hòa Bình là hai nhà sản xuất có khả năng đáp ứng tới 80% nhu cầu thị trường nội địa.

Đến lúc này, vụ khởi kiện tạm coi là kết thúc có hậu khi Cục Quản lý Cạnh tranh đã kiến nghị áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời trong vòng 120 ngày đối với các nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài. Điều này góp phần vào việc duy trì sân chơi lành mạnh cho thị trường trong nước, tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển ổn định.

Cần phải nói rằng, ngành cán thép có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, khi ngành công nghiệp này thực sự phát triển mới có thể thu hút được các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp cán nóng đầu tư vào Việt Nam. Việc một số doanh nghiệp nhập khẩu bán phá giá đã gây ảnh hưởng xấu đến ngành công nghiệp cán nguội.

Vì vậy, với mức đầu tư lớn và bài bản của Posco VST, chuyện nhà đầu tư được quan tâm, bảo hộ phù hợp với luật pháp cũng là điều mà bất cứ nước nào cũng phải làm nếu không muốn mang kiếp gia công và phụ thuộc vào nhập khẩu suốt đời.