Đau đầu với thực phẩm chức năng

Theo Hoàng Trâm/ktdt.com.vn

(Tài chính) Liên tiếp những ngày qua, các cơ quan chức năng phanh phui nhiều vụ buôn bán thực phẩm chức năng giả, nhái khiến người tiêu dùng thêm phần hoang mang.

Người tiêu dùng nên lựa chọn thông thái khi mua TPCN để tránh "tiền mất, tật mang". Nguồn: Internet.
Người tiêu dùng nên lựa chọn thông thái khi mua TPCN để tránh "tiền mất, tật mang". Nguồn: Internet.
Ngay cả trung tâm kinh doanh thuốc Hapulico, nơi được coi là uy tín bậc nhất trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm tại Hà Nội, thì cuối tuần qua, Thanh tra Bộ Y tế kiểm tra đột xuất và phát hiện hàng loạt vi phạm.

Qua kiểm tra quầy thuốc của 3 đơn vị: Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Quả Táo Vàng, Công ty TNHH A Giao Đông A, Công ty CP Phát triển công nghệ Hoàng Dương, đoàn thanh tra đã phát hiện gần 40 loại thực phẩm chức năng vi phạm về nhãn mác như không có nhãn phụ tiếng Việt hoặc có nhưng sai quy định, quảng cáo không đúng quy định...

Trước đó vài ngày, cảnh sát môi trường, cơ quan chống buôn lậu và Thanh tra Bộ Y tế cũng đã phối hợp phát hiện 12 tấn collagen và thực phẩm chức năng giả. Nhìn lại trong năm 2014, chưa bao giờ số lượng thực phẩm chức năng bị tịch thu tiêu hủy và thu hồi nhiều đến vậy. Điều đáng lo, việc thu hồi này dường như chỉ là biện pháp quản lý phần "ngọn" chứ chưa thể siết chặt từ "gốc".

 Có thể nói, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng của người dân đang tăng lên nhanh chóng, thị trường hiện có hơn 10.000 loại thực phẩm chức năng, nhưng kéo theo đó là nỗi lo về chất lượng, giá cả, độ trung thực của thông tin…

Tất cả bắt nguồn từ khâu quản lý còn quá nhiều bất cập. Bất cập trước tiên là ghi nhãn thực phẩm, đến tình trạng quảng cáo "láo", vượt quá công dụng của sản phẩm. Đề cập đến vấn đề này, người đứng đầu Cục ATTP (Bộ Y tế) từng cho biết, có lần xem quảng cáo, ông không thể phân biệt được đó là thuốc hay thực phẩm chức năng. Nhưng theo quy định, những hành vi gây hiểu nhầm này không bị rút số đăng ký, nên Cục ATTP chỉ có thể yêu cầu DN thu hồi tờ rơi, nội dung quảng cáo.

Thực tế, sự phát triển quá nhanh của thực phẩm chức năng đã gây ra nhiều thách thức cho cơ quan Nhà nước trong vấn đề quản lý. Hiện nay, hành lang pháp lý về quản lý tại Việt Nam chưa rõ ràng nên dẫn đến nhiều bất cập và nguy cơ. Điều kiện sản xuất chưa được quy định một cách cụ thể, hết sức chung chung là sản xuất thực phẩm.

Trong khi, theo quy định quốc tế, điều kiện cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng phải hội đủ các yếu tố: cơ sở, trang thiết bị, con người, quy định, phòng thí nghiệm kiểm nghiệm, nguyên liệu an toàn. Điều kiện sản phẩm lưu hành cũng chưa có quy định chặt chẽ. Thậm chí, khi người dân mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nay cũng chưa rõ cơ quan nào phải chịu trách nhiệm.

Chính điều này tạo ra nhiều khó khăn trong việc quản lý, để nhiều DN lợi dụng "kẽ hở" sản xuất thực phẩm kém chất lượng và quảng cáo "thổi phồng". Và giá bán các loại thực phẩm chức năng rất đắt lại không thể kiểm soát được.

Để người tiêu dùng không còn hứng chịu thiết thòi, thì việc cần làm ngay là sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thực phẩm chức năng; cùng với đó, tuyên truyền mạnh để người tiêu dùng hiểu rõ tác dụng thực, không còn xem thực phẩm chức năng là "thần dược" chữa bệnh hay tăng cường sức khỏe.